Sát thủ êm đềm
Đang ăn rất khoẻ mỗi bữa 3 – 4 bát cơm, tự nhiên ông Đỗ Văn Tuấn trú tại Hưng Hà, Thái Bình thấy mình khó ăn, hay sặc cơm và đau ở vùng họng. Ông tưởng mình bị khó tiêu nên mua thuốc về uống. Vẫn không đỡ, ông đi khám ở huyện bác sĩ cho rằng đau dạ dày, ợ chua nên cho thuốc về nhà uống.
Hai tháng liền vẫn đau, ông Tuấn mới đến bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ sội soi phát hiện trên dây thanh quản của ông có khối u ác tính và chuyển ông lên bệnh viện Bạch Mai khám. Ông Tuấn đến khám, sau khi hoàn thiện tất cả các biện pháp chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ khẳng định có u thanh quản trái, xâm lấn làm cố định dây thanh trái, dây thanh phải di động kém. Kích thước khối u khoảng >3 cm.
|
Khối u di căn của ung thư thanh quản. |
Ông Tuấn được bác sĩ chỉ định cắt thanh quản toàn bộ mới có thể đem lại một kết quả điều trị tốt. Tuy nhiên phẫu thuật có thể làm mất giọng nói vĩnh viễn và phải thở qua lỗ mở khí quản. Ông Tuấn đã từ chối phẫu thuật.
Với những người như ông và ở quê thì ung thư thanh quản là căn bệnh rất kinh khủng, ông chọn điều trị cầm chừng đó là xạ trị gia tốc và hoá chất. Sau một thời gian, ông Tuấn đáp ứng khá tốt điều trị.
Ông Tuấn kể mình là bệnh nhân nghiện thuốc lá 20 năm nay. Ngày nào ông cũng hút một nửa bao thuốc. Có lúc đông vui ông có thể hút vèo cả bao. Đến khi vào viện, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân từ khói thuốc, ông Tuấn rất ân hận.
Cũng giống như bao bệnh nhân khác, ông chỉ nhìn ra tác hại của thuốc lá khi mình trở thành chính nạn nhân của nó. Bao thuốc chỉ có vài nghìn đồng nhưng giờ đây mình đang sống trong sợ hãi như cá nằm trên thuốc, ông nghĩ giá như quay trở lại ông sẽ không bao giờ hút thuốc lá nữa.
Cùng suy nghĩ với ông Tuấn, ông Nguyễn Quang Trinh trú tại Lâm Thao, Phú Thọ đang chăm vợ bị ung thư thanh quản đã di căn hạch chạy khắp nơi. Nhìn vợ héo hon vì bệnh, ông Trinh thở dài.
Ông là con nghiện thuốc lá và ông hút mọi nơi mọi lúc dù ở đó có vợ và con, ông cũng không bỏ. Khói thuốc ông phả ra có khi bay nghi ngút khắp nhà. Có lúc, ông thấy vợ con ho sặc sụa vì khói thuốc của mình nhưng rồi họ sống chung thành quen.
Vợ ông bị ho lâu ngày không khỏi, đi khám bệnh, bác sĩ chụp X quang phổi không phát hiện có gì bất thường. Vợ ông yên tâm nên về nhà cứ mua thuốc trị ho. Đến khi ăn cơm nghẹn không nuốt được mới đi khám lại thì lúc này ung thư đã di căn có hạch ở khắp nơi, thậm chí khối di căn xuống cả ổ bụng.
Vợ ông không nghiện thuốc lá nhưng 30 năm ở cùng ông, bà cũng trở thành nạn nhân của khói thuốc. Các bác sĩ chỉ biết thở dài vì sát thủ này rất êm đềm và lặng lẽ.
Căn bệnh của nam giới
Theo bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương, bệnh ung thư thanh quản là loại ung thư hay gặp ở Việt Nam. Nếu trong phạm vi vùng tai mũi họng thì ung thư thanh quản đứng vào hàng thứ 4 sau ung thư vòm họng, ung thư mũi xoang và ung thư hạ họng.
Nói đến ung thư thanh quản, đây chỉ là khối u nằm trong lòng thanh quản bao gồm mặt dưới thanh nhiệt, băng thanh thất, thanh thất Morgagni, dây thanh và hạ thanh môn, còn các khối u khác vượt ngoài phạm vi các vị trí trên thuộc loại ung thư hạ họng.
Nguyên nhân của ung thư thanh quản, các nghiên cứu đều chỉ ra thuốc lá và khói thuốc lá đứng hàng đầu gây ra căn bệnh này. Những người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển loại ung thư này cao hơn người không hút. Nguy cơ này thậm chí cao hơn ở những người hút thuốc và uống nhiều rượu. Những người bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm hẳn nguy cơ phát triển ung thư thanh quản, cũng như ung thư phổi, miệng, tuyến tuỵ, bàng quang và thực quản.
Hiện nay, việc điều trị ung thư thanh quản, các bác sĩ thường phẫu thuật hoặc phẫu thuật kết hợp với tia xạ cho một số bệnh nhân mới được chẩn đoán ung thư. Trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được áp dụng nếu khối u không đáp ứng với liệu pháp chiếu xạ hoặc phát triển trở lại sau khi chiếu xạ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có thêm liệu trình hoá chất để bệnh nhân có thể đáp ứng được bệnh. Ung thư thanh quản có thể điều trị khỏi 80% nếu phát hiện sớm.
Để phòng ung thư thanh quản, bác sĩ Căn cho biết loại bỏ thuốc lá ra khỏi gia đình là cách tốt nhất để không mắc bệnh. Ngoài ra, các yếu tố như môi trường, bệnh nghề nghiệp cũng được các chuyên gia cảnh báo.
Mời quý độc giả xem video Bệnh ung thư (nguồn Youtube):