Phóng sự VTV đặc biệt “Ranh Giới” phát sóng tối ngày 8/9, ghi lại cuộc chiến đấu giành sự sống của các sản phụ tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Đặc biệt, trong đó có cuộc gọi của sản phụ Võ Thị Kim Ngân cho chồng.
Trong giây phút tỉnh táo đó, chị hoảng loạn nói với chồng “Anh ơi em sợ quá, em muốn gặp con, em mệt lắm”. Khi phim phát sóng chị Ngân đã tử vong được 3 ngày. Đó là cuộc gọi cuối cùng của chị với chồng.
“Tới bây giờ tôi vẫn chưa dám xem phóng sự đó. Tôi sợ xem xong sẽ chịu không nổi, chỉ nghe mọi người kể lại”, anh Trần Văn Đen, chồng chị Ngân buồn bã nói.
|
Cha con anh Trần Văn Đen đang được cách ly tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NVCC |
Anh Đen kể lại, ngày 5/9, khi đang chăm sóc 2 con ở phòng trọ thì nhận được tin nhắn của bác sỹ ở Bệnh viện dã chiến số 16 (BV Bạch Mai, Hà Nội đảm nhận), báo vợ anh đã không qua khỏi. Nghe tin, anh ngã quỵ không dám tin vào sự thật.
“Khi chưa nhận được tro cốt của vợ, tôi vẫn hy vọng đó chỉ là sự nhầm lẫn của bệnh viện. Đến ngày 24/9, bên quân đội giao tro cốt về, tôi phải chấp nhận sự thật vợ tôi mất rồi”, anh Đen chia sẻ.
Do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh Đen từ quê ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng lên TP.HCM làm công nhân. Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng thuê chung phòng trọ với gia đình dì ruột chị Ngân ở phường 16, quận 8.
Khi con trai đã lớn, vợ chồng anh quyết định sinh thêm con. Chị Ngân tới ngày sinh cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM.
Thấy vợ có dấu hiệu sắp sinh, anh Đen đưa vào Bệnh viện Triều An. Tại đây, cả hai bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Anh Đen được điều trị, cách ly tại bệnh viện còn chị Ngân được chuyển sang Bệnh viện Hùng Vương mổ bắt con.
“Trước đó vợ tôi bị ho cả tháng, cả nhà cứ nghĩ cô ấy bị viêm phế quản chứ không hề nghĩ bị Covid-19, vì từ lâu chúng tôi chỉ quanh quẩn trong phòng trọ”, anh Đen kể.
Sau khi mổ bắt con, sức khỏe chị Ngân yếu dần rồi rơi vào hôn mê, phải chuyển sang phòng Hồi sức cấp cứu (ICU). Tới ngày 18/8, chị được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện dã chiến 16. Lúc này, chị phải mở nội khí quản, ăn bằng sông qua dạ dày, sự sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở.
“Lúc đó tôi hoảng loạn lắm, tôi gửi hình hai con cho các bác sỹ, van xin họ cứu cô ấy để về chăm sóc các con. Tôi cũng nhờ bác sỹ nếu lúc nào cô ấy tỉnh thì cho cô ấy coi ảnh của con để lấy động lực sống tiếp. Vậy mà cô ấy vẫn bỏ cha con tôi mà đi”, anh Đen nghẹn giọng nói.
Nhắc về cuộc gọi cuối cùng của vợ, tỏ ra ân hận, anh Đen cho biết, lúc đó đầu dây bên chị Ngân khá ồn do tiếng kêu của máy móc, nên anh không nghe rõ vợ nói gì. "Giá mà tôi nghe được, tôi sẽ động viên cô ấy ráng lên về với con”, anh Đen ngậm ngùi bày tỏ.
Anh Đen nói tiếp: "Mẹ mất, hai con còn quá nhỏ nên chúng không hiểu được mất mát quá lớn này".
Con lớn của anh Đen là cháu Trần Quốc Dương (8 tuổi) vẫn hồn nhiên cúng vái bên bàn thờ mẹ, mong mẹ mau về với mình. Ngày tro cốt mẹ được giao về, bé Dương còn chạy khắp xóm nói "mẹ về rồi".
Nhìn thấy hũ tro cốt, bé hồn nhiên nhảy lên nói: “Mẹ về rồi, mà sao không thấy tay chân gì vậy?”. Nghe con thơ nói, anh Đen nuốt nước mắt vào trong vì quá xót xa.
Biết nguyện vọng của anh muốn được về quê, Bộ Tư lệnh TP.HCM và Ban chỉ huy quân sự quận 8 đã tổ chức đưa cả 3 cha con về.
Hiện cha con anh Đen đang được cách ly tại huyện Cù Lao Dung. Lúc còn ở TP.HCM, có dì chị Ngân phụ con gái mới sinh là cháu Trần Thị Kim Nguyên, nhưng khi ở khu cách ly chỉ có mình anh loay hoay chăm hai con.
Khi được hỏi về quê sẽ làm gì để sinh sống, anh Đen thở dài cho biết, ở quê anh không có khu công nghiệp, không có công ty nên ai thuê gì sẽ làm nấy để lo cho các con.