Theo đó, báo Thanh Niên đưa tin, bé trai nói trên là Nguyễn Trung Đ. (ở Phúc Thọ, Hà Nội) được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc da rất nặng. Khắp vùng da trên cơ thể lở loét, các nốt phát ban chảy nước mùi tanh. Cháu quấy khóc nhiều do tổn thương vùng miệng, không thể bú mẹ.
Gia đình cho hay, khi bé Đ. nổi các nốt thủy đậu được 4 hôm, mẹ muốn con nhanh khỏi nên đã tắm cho con trai bằng lá mua gần nhà. Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, các nốt phỏng trên cơ thể bé bắt đầu phồng rộp, lở loét. Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư kết luận cháu bị nhiễm độc da - thủy đậu.
Sau khi nhập viện, bé Đ. được điều trị trong phòng cách ly vô trùng; tiêm kháng sinh; được vệ sinh da bằng nước muối sinh lý ấm, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn và giúp làm lành tổn thương. Đến chiều 29.3, sau 6 ngày nhập viện, vết thương toàn thân của bé đã khô và bắt đầu bong vảy.
|
Bệnh thủy đậu là bệnh nhiễm trùng nếu cha mẹ không cẩn thận sẽ gây biến chứng đáng sợ. Ảnh minh họa |
Nói tới bệnh thủy đậu, báo VnExpress dẫn thông tin từ các chuyên gia cho biết, cha mẹ cũng không nên mua các loại lá về tắm để cho trẻ nhanh khỏi. Da trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định, chỉ bằng 1/5 da người lớn nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.
Hơn 90% các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Trong khi, các loại lá do mọc ở bờ bụi, bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi nên nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn là rất cao.
Việc tắm lá cho trẻ nhỏ cũng như việc uống thuốc chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ. Tùy từng cơ địa của trẻ mà có thể tắm các loại lá khác nhau. Ngay cả lá bàng, lá chè xanh mà các bậc cha mẹ hay tắm cho trẻ cũng không hề tốt, có thể khiến trẻ mắc bệnh. Vì trong hai loại lá này có chất ta nanh (chất chát) dễ làm cho da trẻ nhỏ bị tổn thương.
Ngoài ra, dùng lá tre tuy không có hại nhưng cũng không nên dùng vì lá tre có lông, khiến trẻ bị ngứa, dị ứng. Đặc biệt, những lá như trúc đào, lá han, lá bạch hoa trà thiết thảo tuyệt đối không được dùng tắm cho trẻ vì các loại lá này có chất độc có thể gây viêm da, nhiễm trùng nặng.
Các bác sĩ cho biết, hầu hết các trường hợp thủy đậu là một bệnh lành tính. Các nốt phỏng trên da của trẻ nếu được chăm sóc vệ sinh đúng cách sẽ hồi phục. Cách chăm sóc da tốt nhất cho trẻ bị thủy đậu là tắm rửa sạch sẽ cho bé bằng nước ấm, không để các nốt phỏng bị vỡ; bôi thuốc sát trùng theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn.