Liên quan đến thông tin 3 thai phụ đi khám thai nhưng lại bị phát nhầm thuốc phá thai khiến một thai nhi chết trong bụng mẹ, hôm nay (ngày 2/4), báo Pháp luật TP.HCM đưa tin Sở Y tế Tiền Giang cho biết đang yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tân Phước, Tiền Giang báo cáo sự việc trên.
Trước đó, chiều ngày 9/3/2018, chị Huỳnh Thị Cúc (32 tuổi, huyện Tân Phước), có thai gần hai tháng đến trung tâm y tế huyện Tân Phước khám. Sau khi chẩn đoán thai yếu, bác sĩ yêu cầu chị Cúc nằm viện theo dõi ba ngày. Đến ngày 9/3, chị Cúc xuất viện và được bác sĩ kê thuốc dưỡng thai về nhà uống.
|
Đi khám thai tại Trung tâm y tế huyện Tân Phước, 3 thai phụ bị phát nhầm thuốc phá thai khiến một thai nhi chết trong bụng mẹ. Ảnh: vtv.vn. |
Tối cùng ngày, sau khi uống hai trong số 20 viên thuốc được kê trong đơn, chị Cúc bị xuất huyết nên được đưa tới Trung tâm y tế. Tuy nhiên, do bác sĩ ở trung tâm chỉ nói chờ theo dõi nên gia đình đưa thẳng chị lên Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.
Sau khi kiểm tra loại thuốc bệnh nhân uống, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang cho biết chị Cúc đã uống thuốc phá thai. Thai nhi đã chết trong bụng mẹ.
Đáng nói, cũng trong ngày 9/3, ngoài chị Cúc còn có hai thai phụ khác cũng được Trung tâm y tế huyện Tân Phước cấp cùng loại thuốc như chị Cúc. Ngay sau đó, một người có triệu chứng xuất huyết nhưng được cấp cứu kịp thời. Một người chưa kịp uống thuốc thì đã được trung tâm phát hiện, thu hồi.
Trao đổi trên vtv.vn về vụ việc trên, Bác sĩ Lê Văn Đức - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phước, xác nhận thông tin và giải thích: “Trong quá trình lãnh thuốc, cấp thuốc có sai sót về chuyên môn chút ít, có nhầm lẫn. Cả 3 trường hợp trung tâm đều có cử người tới nhà thăm hỏi, động viên, nhận sai sót. Sau đó trung tâm có tổ chức họp chuyên môn để kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những người có liên quan, đồng thời điều chỉnh lại quy chế ra toa thuốc”.
|
Ảnh minh họa. |
Theo ông Đức, xảy ra sự cố trên là do "phần mềm của VNPT lắp đặt. Cụ thể là 2 tên thuốc gần giống nhau, một loại dưỡng thai và một loại “ảnh hưởng tới thai, có khả năng sảy thai”.
Nhưng phần mềm không ghi hàm lượng 100 mg và 200 mg. Do vậy khi BS kê đơn, chỉ định đúng tên thuốc và hàm lượng, nhưng trên phần mềm thì không có đầy đủ như vậy, thành ra nguyên nhân là do phần mềm. Ngoài ra tên thuốc cũng na ná nhau. Nếu người tinh ý thì phát hiện, còn người không tinh ý thì không thấy, nên bị sai sót”.
Trước đó (ngày 10/1/2018) chị L.T.T (32 tuổi, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vào viện dưỡng thai nhưng bị đặt nhầm thuốc phá thai khiến thai nhi chết lưu, Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi làm rõ các thông tin liên quan.