Sáng ngày 1/3, TS Lê Ngọc Duy- Giám đốc Trung tâm Cấp cứu & Chống độc Nhi khoa - Bệnh viện Nhi TW chia sẻ trên báo Sức khỏe & Đời sống, sức khoẻ của bé gái rơi từ ban công tầng 12A ở 1 chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng- Hà Nội hiện đã tạm ổn định, các bác sĩ mới phát hiện bé trật khớp háng, kết quả siêu âm, XQ ổ bụng cùng các xét nghiệm cận lâm sàng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.
Đến 8h30 sáng 1/3/2021, bé gái sinh năm 2018 đã tỉnh, tiếp xúc tốt, không có dấu hiệu khó thở. Tình trạng huyết động ổn định.
|
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW thăm khám sức khỏe bé gái ngã từ ban công chung cư. Ảnh: SKĐS. |
Trao đổi với Infonet, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho rằng bé gái rơi từ ban công chung cư được cứu sống nhưng sau này có thể bị ảnh hưởng tâm lý, mắc chứng sợ độ cao.
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, di chứng này không phải xảy ra với tất cả trẻ bị ngã, rơi từ trên cao xuống. Bởi có trẻ vẫn vượt qua được nhưng có bé lại không, biểu hiện bằng sự hoảng sợ, sau này cứ ở trên cao là sợ (hội chứng sợ độ cao).
Hội chứng sợ độ cao, tiếng anh là Acrophobia, là tình trạng sợ hãi hoặc ám ảnh cực đoan về độ cao, nhất là đối với những người có chiều cao bình thường. Bệnh sợ độ cao được xem là một loại ám ảnh về không gian và cảm giác khó chịu khi chuyển động.
Những người bị chứng sợ độ cao có thể cảm thấy rất hoảng sợ khi đứng ở những nơi trên cao, trở nên quá kích động để có thể tự trấn tĩnh bản thân và tìm lại cảm giác an toàn. Có khoảng 2 - 5% dân số mắc hội chứng sợ độ cao, tỷ lệ xảy ra ở nữ giới cao gấp đôi nam giới. Những bệnh nhân sợ độ cao thường không thể leo thang cao, lên cầu thang không có tay vịn và thậm chí sợ cả đi máy bay.
Bệnh sợ độ cao có thể gây ra do một số nguyên nhân, ví dụ như người bệnh đã từng bị tai nạn, ngã từ trên cao. Những người này luôn bị ám ảnh bởi cảm giác đã từng trải qua khi ở trên cao và trở nên rất sợ độ cao.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: “Người lớn không nên dời mắt khỏi trẻ nhỏ”. Đặc biệt, khi nhà có trẻ nhỏ cần phải quan sát toàn bộ căn nhà, các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ví dụ, với ban công thì các bậc phụ huynh cần phải quan sát với lan can như thế, trẻ con có thể leo qua được không, hoặc có cái lỗ nào ở bên ngoài có thể khiến trẻ chui qua được không?.
“Khi con biết bò hoặc chập chững biết đi, trẻ có thể chui qua được lỗ đấy không?. Hoặc trẻ lớn hơn chút có thể trèo lên được lan can và rơi xuống… Tốt nhất, bố mẹ cần phải gia cố lan can, lắp lưới chắn ban công khi nhà có trẻ nhỏ”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ con khác người lớn không biết chỗ nào nguy hiểm, ưa tò mò, khám phá, tìm hiểu cho nên bố mẹ phải phòng.
Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng các nhà thiết kế chung cư phải thiết kế căn hộ có trẻ con để tính đến sự an toàn với những ban công có lưới chắn…để trẻ không thể chèo, chui qua được. Nhiều người nghĩ rằng ban công cao, người lớn đứng còn không rơi làm sao trẻ trèo qua được. Không phải đâu, trẻ có thể tìm đủ mọi cách để trèo qua.
Ngoài ra, ở nhà đất thì cầu thang cũng cần phải được lưu ý. Khoảng trống giữa các thanh chắn, độ cao của tay vịn cầu thang cũng là những nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ bị rơi từ tầng cao xuống đất...
Trước đó, vào khoảng 17h30 chiều 28/2, một bé gái 3 tuổi tại tầng 12A của tòa nhà chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ bò từ trong nhà rồi trèo ra lan can.
Sau đó, bé gái bám vào lan can, treo mình lơ lửng. Một số người dân ở tòa bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán người tới cứu giúp.
Lúc này, một người đàn ông phía dưới trèo lên mái che của sảnh. Chỉ vài giây sau, bé gái rơi từ lan can tầng 12A xuống, may mắn được người đàn ông đỡ kịp. Được biết "người hùng" cứu cháu bé là anh Nguyễn Ngọc Mạnh ở Đông Anh, Hà Nội làm nghề lái xe tải, chuyên nhận chuyển nhà trọn gói.
Lãnh đạo Công an phường Thanh Xuân Trung cho biết cháu bé bị gãy tay và chân, hiện tại đang được theo dõi tâm lý, chụp chiếu. Việc bé gái thoát chết an toàn là điều vô cùng may mắn.