Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại, bắp cải cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, phốt pho, sắt, carotene, protein, carbohydrate, vitamin và chất xơ.
Đặc biệt, trong bắp cải còn có chứa các chất như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol-33 carbinol được cho là có tác dụng chống ung thư.
Bắp cải mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng có một số người vẫn nên hạn chế ăn loại rau này.
Người bị bướu cổ
Bắp cải có chứa nhiều dinh dưỡng, trong đó có cả goitrin. Đây là một chất có tác dụng chống oxy hóa nhưng lại có thể gây ra bướu cổ. Vì vậy, những người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ nên hạn chế ăn bắp cải nếu không sẽ làm bệnh càng thêm nghiêm trọng.
Nếu ăn bắp cải, nhóm người này chỉ nên ăn với một lượng nhỏ, khoảng 2 bữa/tuần. Trước khi ăn, nên ngâm rửa bắp cải và để khoảng 15 phút rồi mới chế biến để goitrin phân hủy hết.
Người có hệ tiêu hóa kém
Bắp cải chứa nhiều chất xơ giúp nhuận tràng, ngừa táo bón. Tuy nhiên, người đang bị tiêu chảy nên tránh ăn bắp cải để không làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, ăn bắp cải sống dễ làm sinh khí, gây đầy bụng. Vì vậy, người bị đau dạ dày hay bị chướng bụng, đầy hơi nên hạn chế ăn bắp cải sống, tốt nhất là nên nấu chín ròi mới ăn.
Người bị bệnh thận
Bắp cải giàu axti oxalic. Khi tiêu thụ quá nhiều, axit oxalic có thể kết hợp với canxi trong cơ thể để tạo thành muối oxalat. Canxi oxalat có thể lắng đọng ở thận, làm tăng khả năng hình thành sỏi thận. Vì vậy, những người đang bị suy thận nặng, có tiền sử sỏi thận nên hạn chế sử dụng bắp cải.
Với người khỏe mạnh, khi ăn bắp cải nên cắt nhỏ, nấu chín để giảm lượng axit oxalic.
Người tạng hàn
Theo Đông y, bắp cải có tính hàn (lạnh). Vì vậy, người ốm yếu, tay chân lạnh hoặc gặp các vấn đề liên quan đến phong nên hạn chế ăn các thực phẩm lạnh như bắp cải. Nếu ăn, nên kết hợp với các thực phẩm có tính nóng như gừng để trung hòa.