Phương pháp nuôi dưỡng anh chị em của trẻ tự kỷ công bằng

Google News

(Kiến Thức) - Để  tạo ra sự kết nối giữa trẻ tự kỷ và anh chị em ruột, cha mẹ phải yêu thương đồng đều và chấp nhận chính con người của từng đứa trẻ.

Nuôi dưỡng trẻ tự kỷ là một việc khó khăn. Nuôi dưỡng đồng thời trẻ tự kỷ và anh chị em ruột của trẻ cũng khó khăn không kém. Trẻ có anh chị em ruột bị tự kỷ cũng sẽ trải qua những cảm xúc tương tự như cha mẹ nhưng không hiểu biết đầy đủ như cha mẹ. Sau đây là vài lời khuyên của các chuyên gia khi cha mẹ đang nuôi dạy nhiều đứa con, trong đó có trẻ tự kỷ.

Hỏi ý kiến chuyên gia

Những chuyên gia có kinh nghiệm giỏi nhất trong việc giải thích về chứng tự kỷ cho trẻ mắc bệnh và anh chị em phát triển bình thường của trẻ cho rằng cha mẹ không cần phải vòng vo khi làm việc này. Việc lựa chọn thời điểm và cách thức tiến hành cuộc trao đổi về chứng bệnh này với những đứa con khác trong gia đình cũng là việc quan trọng vì những đứa trẻ này sẽ không thể hiểu được trong một sớm một chiều.

 

Áp dụng quy tắc chung cho mọi đứa con

Mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Việc áp dụng những quy tắc chung cho mọi thành viên sẽ giúp mọi đứa trẻ trong gia đình nhận ra và bớt trông chờ về người thân đang mắc bệnh của mình cũng như các nguyên tắc đang được duy trì trong gia đình, để chúng hiểu rằng không có xự đối xử đặc biệt nào dành cho những nhu cầu đặc biệt. Tình yêu thương được thể hiện bình đẳng không phân biệt tuổi tác và khả năng. Những đứa trẻ bình thường trong gia đình cần phải thấy được người thân bị tự kỷ của chúng cũng được tham gia vào mọi hoạt động trong gia đình và sẽ không cảm thấy mình bị gạt ra ngoài.

Giải thích bằng thực tế

Trẻ cần được giải thích về các hành vi tự kỷ bằng thực tế. Chẳng hạn khi thấy trẻ tự kỷ lấy tay bịt tai lại, cha mẹ hãy giải thích rằng anh chị em của chúng đang nghe thấy âm thanh gì đó quá to. Trẻ sẽ không cảm thấy rằng chuyện này là do trẻ đồng thời sẽ hiểu biết và thấu cảm hơn.

Dành thời gian trực tiếp chăm sóc và nói chuyện với trẻ

Cha mẹ thường mất nhiều thời gian và sự chú ý hơn đối với đứa con đặc biệt của mình vì khả năng tự chăm sóc bản thân của trẻ tự kỷ chậm hơn rất nhiều so với anh chị em bình thường. Những điều nhỏ nhặt như buộc dây giày, đánh răng hay mở nắp vỏ chai lọ cho trẻ tự kỷ sẽ khiến cha mẹ xao lãng việc chăm sóc những đứa con khác. Do vậy, hãy sắp xếp thời gian chăm sóc những đứa con bình thường khác để chúng cảm thấy chúng cũng được quan tâm, chăm sóc và chú ý, gạt bỏ đi mọi rào cản giữa anh chị em.

Không so sánh

Cha mẹ không được so sánh trẻ này với trẻ kia dù là trong ngay chính gia đình mình. Dù trẻ mắc chứng tự kỷ hay trẻ phát triển bình thường thì cũng là hai đứa trẻ khác nhau. Nếu cha mẹ so sánh giữa sự giỏi giang giữa đứa con bình thường với đứa bị tự kỷ, trẻ bị tự kỷ sẽ cảm thấy mình không có giá trị. Ngược lại, so sánh về hành vi của trẻ tự kỷ với anh chị em khác là không công bằng.

Không phân biệt đối xử trong các nguyên tắc gia đình

Không áp dụng các quy tắc khác nhau cho từng đứa con mà chỉ áp dụng đồng nhất một nguyên tắc. Thực ra những nguyên tắc mà cha mẹ hay đặt ra như tôn trọng các thành viên khác, làm việc vặt trong gia đình, thể hiện tình cảm và lòng tốt là những điều mà trẻ nào cũng có thể thực hiện, không phân biệt trẻ tự kỷ hay trẻ bình thường. Nếu có sự khác biệt nào đó thì cũng chỉ là sự khác nhau về kỳ vọng mức độ hoàn thành công việc ở từng trẻ.

Đừng phớt lờ cảm xúc của trẻ về chuyện tự kỷ

Tương tự như cha mẹ, anh chị em của trẻ tự kỷ cũng trải qua những cảm xúc lẫn lộn như buồn lòng về mối quan hệ anh chị em, lo lắng về sự khủng hoảng hành vi, thậm chí đôi lúc còn thấy xấu hổ nếu anh chị em tự kỷ của mình mắc lỗi ở nơi công cộng. Những cảm xúc này là hoàn toàn tự nhiên và thông thường. Cha mẹ không được bỏ qua mà cần ghi nhận những cảm xúc đó, dành thời gian để giải thích cho chúng hiểu cha mẹ đang quan tâm đến cảm xúc của chúng.

Không cho phép trẻ chế nhạo lẫn nhau

Trẻ em thì cũng vẫn là trẻ em, kể cả trẻ bị tự kỷ. Cha mẹ không được cho phép trẻ chế nhạo lẫn nhau và điều này áp dụng với cả hai chiều. Trẻ bình thường không được trêu chọc cười nhạo trẻ tự kỷ và ngược lại.  Không được bỏ qua những từ ngữ không hay ho mà trẻ có thể thốt ra trong khi cãi cọ.

Mời độc giả xem video ví dụ về cách giải thích về chứng tự kỷ cho trẻ (Nguồn: Youtube):
Trang Anh (theo Expert)

Bình luận(0)