Phân biệt 5 bệnh nguy hiểm ở trẻ qua cơn sốt

Google News

Theo chuyên gia Bệnh viện Nhi đồng 2, cha mẹ có thể biết trẻ mắc bệnh gì nếu 'đọc vị' đúng cơn sốt kèm các triệu chứng khác.

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2 - giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sốt là phản ứng có lợi của cơ thể giúp kích hoạt hệ miễn dịch. Thông thường, nếu trẻ chỉ sốt mà không đi kèm triệu chứng gì khác thì hầu hết là do nhiễm virus, trẻ sẽ tự khỏi sau vài ngày. Song nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu lạ, phụ huynh phải chú ý quan sát để biết trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh gì.
Viêm phổi, viêm họng do liên cầu khuẩn, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng là 5 bệnh dễ gặp nhất trong thời điểm giao mùa nhiều dịch bệnh hiện nay. TP.HCM và miền Nam đang trải qua cao điểm dịch chồng dịch, trong khi Hà Nội và miền Bắc bắt đầu xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết mới. Và tất cả bệnh này đều có sốt. Do vậy, sốt chỉ là triệu chứng mà không phải bệnh và điều trị hạ sốt cũng là điều trị triệu chứng, phụ huynh không cần quá lo lắng.
Phan biet 5 benh nguy hiem o tre qua con sot
 
Bác sĩ Quốc Tưởng khuyến cáo, phụ huynh nên cho con đi khám ngay nếu trẻ sốt cao khó hạ, sốt hơn 48 giờ, bé dưới 6 tháng tuổi, có những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân, hoặc nghi ngờ mắc những bệnh lý nguy hiểm dưới đây.
Sốt xuất huyết
Nếu bị muỗi vằn aedes truyền virus dengue, trẻ sẽ sốt cao đột ngột 39-40 độ C trong 2-7 ngày. Người lừ đừ, nhức đầu, đau sau hốc mắt; có thể đau cơ, đau họng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Các nốt ban đỏ xuất hiện, ấn vào không biến mất là dấu hiệu rõ nhất khi trẻ bị sốt xuất huyết.
Bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, thường gặp nhất là thoát huyết tương - hiện tượng huyết tương bị thoát qua thành mạch kéo theo nước gây trụy mạch. Sốt xuất huyết ở người mẹ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Nguy hiểm hơn, nếu lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt sẽ gây bụng to, cổ trướng.
Trong bệnh lý này, nếu trẻ có giảm sốt nhưng kèm theo ói, đau bụng, tay chân lạnh, hoặc có dấu hiệu xuất huyết dưới da: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, da bầm tím; hoặc nội tạng: Xuất huyết tiêu hóa đi phân đen, xuất huyết não, chảy máu phổi thì bệnh đã trở nặng, phải cấp cứu ngay. Do đó, bệnh sốt xuất huyết phải thường sau 7 ngày, trẻ bắt đầu ăn uống tốt lại thì cha mẹ mới có thể yên tâm.
Tay chân miệng 
Trẻ sốt nhẹ 1-2 ngày kèm mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy có thể nghi nhiễm vi trùng đường ruột entero virus (EV71) hoặc coxcakieruses gây bệnh tay chân miệng. Vài ngày sau, trẻ xuất hiện vết loét đỏ 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông cũng nổi ban dạng phỏng nước.
Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C kèm quấy khóc liên tục, ngủ li bì, giật mình chới với, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân... là dấu hiệu bệnh trở nặng, cần đến bệnh viện ngay.
Những biến chứng nguy hiểm bệnh chân tay miệng gây ra như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Các biến chứng này khó phát hiện sớm nếu bác sĩ không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.
Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói nhảm, run tay chân, co giật. Phụ huynh còn có thể nhận biết bệnh khi trẻ có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng.
Hiện nay, tác nhân enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống. Lớp trẻ học và tại nhà phải được vệ sinh bằng dung dịch sát trùng ở những nơi, vật dụng mà trẻ tiếp xúc.
Viêm phổi
Hầu hết cơn sốt do virú cảm cúm sẽ kéo dài 2-3 ngày. Trẻ sốt nhẹ, hâm hấp nóng (dưới 38 độ C) kèm các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, đau họng, hắt hơi, ho, sổ mũi.
Nếu trẻ đề kháng tốt, khoảng một tuần virus tự thoái lui, không nhất thiết phải dùng thuốc hạ sốt. Chỉ dùng hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C hoặc kèm triệu chứng mệt mỏi, biếng ăn, biếng bú.
Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài kèm các cơn ho dai dẳng, hoặc thấy trẻ có dấu hiệu thở nhanh, thở co lõm ngực nhất là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ có thể đã mắc bệnh viêm. Do đó ngoài việc theo dõi sốt, phụ huynh cần chú ý theo dõi cả nhịp thở của con cùng các dấu hiệu kém ăn, kém bú, gắng sức khi thở… để đưa trẻ đi khám kịp thời.
Viêm họng do liên cầu khuẩn
Trẻ sốt cao (trên 39 độ C) đột ngột kèm theo đau họng, có thể nghi ngờ bị nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết Streptococcus nhóm A. Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn là do vi khuẩn nên thường có triệu chứng nặng hơn so với viêm họng thông thường. Khi đó, trẻ thường đau họng lâu hơn 48 giờ, khó nuốt kể cả nước bọt, sưng tuyến bạch huyết, xuất hiện mảng trắng ở amidan hoặc đau khớp, thở gấp và phát ban.
Phụ huynh nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám sớm, lấy mẫu dịch từ cổ họng để xét nghiệm nếu có nghi ngờ. Vì viêm họng do liên cầu khuẩn có thể dẫn đến tình trạng tổn thuơng tim, khớp, thận theo sau nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Bệnh sởi
Trẻ sốt 4-5 ngày kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, khớp; mắt viêm long, chảy nước mắt, nhiều ghèn, kết mạc đỏ… cảnh báo bệnh sởi. Trong 12-18 giờ tiếp theo, niêm mạc má có thể xuất hiện chấm trắng nhỏ 1 mm (Koplik). Biểu hiện rõ nhất là nổi ban bắt đầu từ sau 2 tai, lan dần ra 2 bên má, cổ, ngực, bụng và hai cánh tay. 24 giờ kế tiếp, ban lan ra sau lưng, hông và 2 chi dưới.
Bác sĩ Quốc Tưởng khuyên, cha mẹ không nên bối rối khi con sốt. Trẻ được coi là sốt nếu nhiệt độ trực tràng hoặc tai trên 38 độ C; miệng hoặc núm vú giả trên 37,8 độ C; nách trên 37,5 độ C. Có trẻ sốt cao, có bé sốt nhẹ, nên cách đo bằng tay không chính xác, tuy nhiên vẫn hữu ích khi cha mẹ nghi ngờ thân nhiệt con thay đổi.
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Phổ biến nhất là thuốc chứa Acitaminophen liều dùng 10-15 mg/kg cân nặng cho mỗi lần hạ sốt, tổng liều không quá 60 mg/kg trong 24 giờ. Nếu trẻ khó ăn, dễ nôn trớ hoặc không hợp tác, nên dùng thuốc hạ sốt có hương cam, vị ngọt dễ uống.
Trẻ sốt cao khó hạ có thể dùng một số thuốc hạ sốt chứa thành phần kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, chống chỉ định cho trẻ nghi bị sốt xuất huyết vì thuốc có thể gây xuất huyết và toan máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, ở phòng thoáng, không đóng kín cửa, hoặc mở điều hòa 27-28 độ C nên cho trẻ uống nhiều nước khi cần. Cần chú ý bù dịch đường uống bằng nước lọc, nước trái cây (dừa, cam, chanh), nước cháo loãng pha muối, tốt nhất là uống oresol pha đúng hàm lượng. Trẻ dưới 6 tháng thì cần tăng cường bú mẹ, không tự ý truyền dịch khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Theo Giang Di Linh/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)