Tôi lấy chồng được 3 năm nay, anh đã ly dị và đang nuôi một cô con gái 12 tuổi, cậu con trai nhỏ hơn thì ở với mẹ. Tôi gặp anh trong thời gian cả hai cùng đi công tác tại Đà Nẵng. Tôi cũng đã từng sống với một người đàn ông khác nhưng chúng tôi chưa kịp đăng ký kết hôn thì lại chia tay dù đã tổ chức cưới hỏi.
Chồng tôi hiện tại là một người tốt tính, anh thương tôi và cũng rất yêu con, nhưng con gái anh thì tính cách lại không giống bố, cháu rất ham chơi và không chịu nghe lời ai. Ngay từ lúc tôi mới về làm dâu, cháu đã tỏ ra khó chịu rồi bỏ vào phòng ngủ nam luôn, thậm chí không dậy ăn cơm dù tôi đã gọi rất nhiều lần.
Sau này khi nói chuyện với tôi cháu luôn nói trống không như: “Hôm nay bố đi công tác à?”, “Bố đâu?”... Thậm chí nhiều bữa cháu không về ăn cơm cũng không báo với tôi một tiếng.
Thương cháu thiệt thòi thiếu hơi ấm mẹ nên ông bà nội rất cưng chiều. Nhiều lúc, ông bà còn tỏ ra khó chịu khi thấy tôi góp ý với cháu. Mới đây, nhân lúc bố đi công tác cháu đi chơi qua đêm không về nhà.
|
Giờ tôi không biết phải làm sao để bé hiểu được nỗi niềm của mình (Ảnh minh họa) |
Sau hôm đó, tôi cũng thẳng thắn chia sẻ đó là điều không nên nhưng cháu lại khóc lóc nói với ông bà nội tôi mắng mỏ cháu, ông bà không hiểu chuyện liền gọi điện than vãn với chồng tôi là tôi hắt hủi con riêng của chồng. Tôi đau lòng vô cùng, tôi sợ nếu mọi người cứ chiều thế này cháu sẽ sinh hư. Hiện tôi rất mệt mỏi và chán nản, xin hãy cho tôi một lời khuyên. (Thúy An, 33 tuổi, Hà Nội).
CHUYÊN VIÊN TÂM LÝ MINH ANH TƯ VẤN:
Việc chăm sóc con chồng là nỗi vất vả và ám ảnh đối với bất cứ phụ nữ nào khi lấy người chồng có con riêng. Với những gì chị đang cố gắng, tôi nghĩ chị là người có tình yêu rất lớn với chồng. Qua những điều chị chia sẻ, có thể thấy cháu có những biểu hiện không ổn trong cư xử với mọi người và lối sống riêng. Tuy nhiên, ở một góc độ khác cháu là đứa trẻ thiệt thòi khi thiếu vắng sự chăm sóc và tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ.
Tôi không rõ là chồng chị đã ly hôn bao lâu nhưng chắc chắn cháu vẫn chưa thể tiếp nhận được sự thật khi không có mẹ bên cạnh. Hơn nữa, khi chị bước chân vào cuộc sống của cha con cháu có thể cháu lo sợ chị sẽ chiếm mất bố mình. Để cháu đón nhận chị cần phải có thời gian và vượt qua nhiều khó khăn, nhất là với một đứa trẻ 12 tuổi đã biết suy nghĩ.
Điều cần thiết bây giờ là chị cần hiểu và yêu thương cháu nhiều hơn, tình yêu thương sẽ làm cho cháu thay đổi. Trước mắt, chị cần thống nhất với chồng và mọi người trong gia đình những vấn đề của cháu hiện tại và đưa ra phương án dạy dỗ quản lý cho phù hợp, tránh việc trách móc hay lên án sẽ làm cho cháu càng xa lánh và ghét chị hơn.
Chị thử xem cháu thường nghe lời ai hoặc cháu thường hay tâm sự với ai trong nhà để tác động với cháu, ví dụ như ông bà nội hoặc kể cả là mẹ đẻ… Ngoài ra, nếu có thể hãy học cách làm bạn với cháu trước khi làm mẹ, lúc đó chị sẽ hiểu được cháu hơn thay vì tâm lý chán nản và tiêu cực.
Có lẽ chồng chị cũng cảm thấy rất khó xử và áy náy khi không thể giữ cho cháu một gia đình êm ấm nên cũng không thể cứng rắn với cháu được. Chị hãy động viên để anh ấy vượt qua những mặc cảm này để tập trung giúp cháu phát triển tốt hơn. Chúc chị sức khỏe và nhiều niềm vui.