LTS: Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vừa quan trọng vừa rất được chú trọng trong mọi thời đại. Ngày nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đã được nhìn nhận ở những góc độ cởi mở hơn với nhiều sự cảm thông và chia sẻ. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều những tình huống "khó đỡ" mà người ta nói "chỉ ở trong chăn mới biết chăn có rận". Báo Người Đưa Tin khởi đăng loạt bài: Nỗi sợ của mẹ chồng với mong muốn đi sâu vào những góc nhỏ tâm lý, tình cảm của mẹ chồng - nàng dâu, từ đó cả hai phía sẽ có những cái nhìn thấu hiểu và thông cảm với nhau hơn, cùng điều chỉnh bản thân để luôn giữ được mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp, hạnh phúc trong gia đình.
Câu chuyện nàng dâu hiện đại “kén” chuyện bếp núc không hề khan hiếm trong cuộc sống. Có không ít những nàng dâu ở thành phố được nuông chiều từ nhỏ, việc nhà “không phải đụng một móng tay”, sau khi lấy chồng ở nông thôn, không biết “cơm dẻo, canh ngọt” khiến mẹ chồng phiền lòng.
Ám ảnh những pha khiến “thần bếp” bó tay
Là một cô gái ở thành phố mới về vùng nông thôn hẻo lánh, chuyện làm dâu của chị Lương Thị L. cũng khiến nhà chồng nhiều phen “choáng váng” tương tự.
Bà Hoàng Thị M. (Lào Cai), mẹ chồng chị L. cũng chia sẻ: “Hồi mới về làm dâu, L. thậm chí không biết nấu ăn. Do nhà tôi còn sử dụng bếp củi, nồi cơm con dâu nấu cứ nửa sống nửa khê, không bữa nào trọn vẹn. Tuy nhiên, tôi nghĩ con ở thành phố thì không quen bếp củi cũng là chuyện đương nhiên.
Rồi đến câu chuyện làm nem rán hôm nhà có cỗ, bữa ấy, tôi bận bịu luôn tay với đủ các món ăn. Con dâu tôi cũng lăng xăng phụ làm nem rán. Nhưng những chiếc nem được gói không đều nhau, cái ngắn cái dài, vừa cho vào chảo dầu đã bị vỡ tung. Tôi “muối mặt” trước cả họ hàng”.
|
Chuyện bếp núc khiến nhiều mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn. |
Không chỉ những nàng dâu thành phố về nông thôn “bỡ ngỡ” với việc bếp núc, mà nhiều nàng dâu quá tập trung vào công việc, cũng không có thời gian học hỏi “nữ công gia chánh”.
Chị Hoàng Thanh S. vốn là một giáo viên mầm non, sau khi về làm dâu đã không ít lần gây “sốc” cho mẹ chồng về sự đảm đang bếp núc.
Bà Trần Thị Thanh (Lào Cai), mẹ chồng của chị S. kể: “Tôi còn nhớ, bữa cơm đầu tiên S. về làm dâu, tôi đã đi chợ từ sáng sớm mua hến về nấu canh. Trưa hôm ấy, tôi có để ý, con dâu hì hụi luộc hến, vớt từng miếng thịt hến, nhưng lại đổ nước luộc hến đi. Tôi nhìn vậy là đã biết trình độ nấu nướng của con dâu rồi. Bữa đó, tôi hỏi: “Sao hôm nay canh hến nhạt thế nhỉ?” cũng không thấy con dâu giải thích gì.
Một bữa tôi cho con dâu thử làm thịt gà nhưng vì không biết cắt tiết gà, hay run tay thế nào mà cắt phăng cái cổ gà. Con dâu làm tôi phát hoảng mà cũng không nhịn được cười”.
Trầm cảm vì những món ăn "khó đỡ"
Một trường hợp khác với mức độ khá “nặng nề” được chia sẻ từ chị Tuyết Ngân (TP.Hồ Chí Minh). Chị Tuyết Ngân cho biết: “Hàng xóm nhà mình, có một gia đình “nổi tiếng” bi hài. Nhắc đến gia đình đó, ai cũng phải khẽ bật cười. Chỉ vì chuyện chăm lo nấu nướng của con dâu không được suôn sẻ “viên mãn”, mà nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Thực ra là nàng dâu cũng biết sơ sơ, để nấu một bữa ăn đơn giản hàng ngày, ví dụ như rau luộc, thịt rang, trứng rán,... thì không quá khó khăn. Tuy nhiên, mẹ chồng lại không ưng bụng, muốn những món ăn cầu kỳ hơn, chất lượng hơn cho cả gia đình.
Đặc biệt, mẹ chồng còn có tâm lý, chỉ muốn tự mình chuẩn bị đồ ăn cho con trai, mới yên tâm, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.
Cũng vì mỗi chuyện đó mà gia đình nhiều phen “xô bát xô đũa”, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Thậm chí, vì đặt quá nhiều tâm tư vào chuyện bếp núc của nàng dâu, khiến mẹ chồng bị trầm cảm mấy năm chưa thuyên giảm”.
Câu chuyện bếp núc không chỉ được mẹ chồng “soi” mà nhiều nàng dâu cũng tự nhận thấy mình vụng về nhưng chưa thể khắc phục được.
Chị H.A.T (Hà Nội) tâm sự: “Từ bé đến lớn tôi chưa từng bước chân vào bếp. May mắn nhà có anh trai đảm việc bếp núc nội trợ nên chẳng mấy khi chịu cho em gái vào bếp. Khi lớn lên đi học, thì ở cùng một bạn học nấu ăn nên cũng không phải động tay bao giờ, đến khi đi làm thì chuyển sang ăn toàn cơm quán.
Tết năm nay là Tết đầu tiên tại gia đình chồng, tôi lo lắng, chưa biết phải “đối mặt” thế nào cả. Cũng may, mọi chuyện đã được êm xuôi nhờ sự giúp đỡ đắc lực của chồng”.
Chị Thái Hằng (Thanh Hóa) chia sẻ câu chuyện trong gian bếp của chị gái: “Chị gái tôi trước đây mới về làm dâu, cũng chưa biết nấu ăn nên gặp không ít chuyện hài. Tôi nhớ nhất chuyện chị ấy kể: Mẹ chồng dặn chị nấu canh cua nhưng không biết nấu, nên sau khi mua cua xay ở chợ về, chị không lọc mà đổ hết vào nấu canh. Đến bữa ăn còn lẩm nhẩm trách bà bán cua xay cho toàn con gầy, nhiều xương. Mẹ chồng chỉ biết ngồi cười”.
Cũng chung “cảnh ngộ” với những nàng dâu trên, chị Bùi H. (Tiền Giang) chia sẻ: “Nhắc đến chuyện bếp núc, tôi cũng phải thừa nhận mình vụng về, đụng đâu là hỏng đó. Ngày mới về làm dâu, có những lần tôi trổ tài rán cá mà lửa cháy bùng bùng, sau khi gây nhiều phen “đe dọa” tới gian bếp, bố mẹ chồng còn “cạch mặt” tôi ra khỏi chuyện bếp núc”.
Trong cuộc sống, còn có nhiều chuyện khiến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không được ngọt ngào, nhưng chuyện bếp núc có thể xem là “con sâu” to nhất “làm rầu nồi canh”. Để giữ lửa hạnh phúc và tránh những câu chuyện xích mích không đáng có với mẹ chồng, các nàng dâu nên có cách quán xuyến gian bếp của gia đình.