Vượt lên sự cấm đoán của bên ngoại khi nhà Long cách xa quê cô cả ngàn cây số, vì cảm sự chân thành của anh, quý cái tình của anh giành cho mình vô điều kiện, Minh đã theo anh về làm vợ. Hạnh phúc càng nhân lên khi họ có cặp song sinh đầu đời một trai một gái. Dù vật chất chưa thực sự dư giả, nhưng trong căn nhà nhỏ của mình, Minh luôn cảm nhận được tình yêu thương, sự che chở và hy sinh của người chồng - người cha của các con mình.
|
Trong vòng tay anh, Minh thấy mình hạnh phúc. Ảnh minh họa |
Điều đặc biệt hơn, cô được cha mẹ chồng yêu thương như con ruột. Chính vì thế, Minh cảm thấy viên mãn với những gì mình đang có. Hạnh phúc với cô là hết giờ đi làm, được tự tay lo cơm nước cho cả gia đình, rồi thỉnh thoảng vợ chồng lại chở con lên phố chơi, Long tinh tế mua cho cô bộ áo quần, hộp son để cô đỡ tủi. Không chỉ yêu mà cô còn có cảm giác hàm ơn: hàm ơn anh đã cho cô một gia đình thật sự!
Ấy vậy mà giữa những ngày đầu hè trời nóng như đổ lửa, anh lại đi một cách khác thường, khác trong suy nghĩ của cô, của gia đình, bạn bè, làng xóm nơi anh từng gắn bó. Ly nước uống dở, mấy viên thuốc ngủ còn vương vãi nền nhà, anh đã đi mà không nói lời từ biệt với ai, thậm chí là hai cục cưng mà suốt ngày anh ôm ấp.
Cả làng quê xôn xao, riêng lòng cô thì choáng váng, đau đớn, trống trải. Nhìn anh lặng im nằm đấy, Minh vẫn không thể tin chồng mình đã thật sự rời xa mẹ con cô. Nội ngoại, bạn bè anh và một số đồng nghiệp cô đến động viên, Minh nhìn họ với cặp mắt vô hồn. Thậm chí, khi đứa con gái lay tay nũng nịu, nước mắt cô cứ thế tuôn rơi.
Ở cái làng quê miền biển, suốt ngày đàn ông đàn bà cặm cụi với sóng gió biển khơi, căn bệnh “trầm cảm” là một khái niệm hoàn toàn mới lạ. Cách đây một năm, sau cái chết của ba ruột mình, Long bắt đầu có dấu hiệu thẫn thờ, trầm ngâm, ít nói chyện với ai, ngay cả với Minh. Đi làm về, anh cứ đóng cửa, đến giờ ăn thì ra, ăn xong lại lẳng lặng trở vào. Điều này, khác hẳn với tính tình vui vẻ, chan hòa, tình cảm vốn có của Long.
Minh là người cảm nhận rất rõ từng thay đổi của chồng. Ban đầu cô cố gắng trò chuyện nhiều hơn để anh chia sẻ, nhưng Long vẫn vậy, mỉm cười chốc lát rồi đi đâu đó, tối mịt mới về. Tưởng mình đã làm điều gì khiến anh phật ý, Minh nhờ các con làm cầu nối để cả nhà chở nhau đi chơi. Vậy mà anh nỡ từ chối, hẹn vợ con “lần sau ba chở mẹ con đi”.
Tìm hiểu thông tin trên mạng, cô biết rằng chồng mình đang có dấu hiệu trầm cảm. Nhưng lý do là gì, bắt nguồn từ đâu thì đến tận lúc này Minh vẫn không biết được. Công việc anh vẫn tốt, các con vẫn ngoan, vợ vẫn đảm đang, ngoan thảo, mối quan hệ đại gia đình vẫn luôn rộn rã bởi những tiếng nói cười. Cô trao đổi bệnh tình của Long với các thành viên trong nhà, mọi người cũng nhận thấy sự khác thường của anh dạo gần đây, nhưng những cảnh báo của cô về hệ lụy xấu đến từ trầm cảm thì mọi người không tin.
Muốn đưa anh đi viện khám nhưng cô vấp phải sự tự ái của Long. Vì thế, cô đã phải nhờ bác sĩ ở bệnh viện tâm thần về nhà, vờ như bạn bè để trao đổi, thăm khám cho anh. Kết quả, Long đã ở giai đoạn nặng của trầm cảm và bắt đầu chuyển qua tâm thần khi một số hành động vô thức của anh xuất hiện. Ý định bằng mọi giá đưa anh đi viện chưa kịp thực hiện thì Long đã ra đi khi tất cả mọi thành viên gia đình vô tình cùng vắng nhà. Tiếng kèn xuân nữ như xé nát gan ruột người vợ trẻ khi trụ cột bất ngờ sụy đổ, bờ vai để cô nương tựa bấy lâu vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời.
Nỗi đau xâu chuỗi nỗi đau khi gia đình anh, trong đó có mẹ Long trở nên ngờ vực cô. Dù không nói ra nhưng trong cái nhìn của họ như oán trách cô đã làm gì đắc tội với chồng. Ra chợ, người ta xì xào về cái chết của anh, họ đồn thổi về những mâu thuẫn mà vợ chồng cô chưa từng có, thậm chí còn suy đoán về con cái khi chúng giống cô mà ít giống anh. Dù vẫn luôn tự nhủ mình không thể gục ngã, nhưng những câu chuyện làm quà ở người nhà quê không thể không làm trái tim cô đau nhói. Chỉ muốn giam mình trong bốn bức tường, ôm các con thật chặt, nhưng như vậy biết đâu… có một ngày cô lại mắc bệnh giống anh. Cô sợ lắm!
Anh đi rồi, giờ không ai khác ngoài cô phải tự chăm sóc con và chính bản thân, dù biết rằng điều đó không hề đơn giản. Mẹ Minh muốn đưa ba mẹ con cô về ngoại, nhưng các con lại quấn nội và muốn hàng ngày ra thắp hương ngoài mộ cho ba. Thương con, thương mẹ anh, Minh không nỡ.
Nhưng ở lại, đồng nghĩa cô phải một mình chống lại những thêu dệt ác ý của người đời. Cô không hề trách oán mẹ chồng vì cô biết, bà xót con nên nghĩ quẩn. Sự vắng bóng của những người đàn ông khiến cho bữa ăn của những người đàn bà trở nên nhanh gọn, chóng vánh. Sự im lặng chỉ được phá tan khi các con cô ríu rít trêu đùa.
Minh hiểu, bà vẫn thương cô nhưng sự hiểu biết về căn bệnh có tên “trầm cảm” vẫn chưa được khai thông với những con người ở làng quê nghèo. Vì vậy, họ thả sức truy kết, phán xét người khác mà không biết rằng vô tình những định kiến, ngờ vực như thế lại tạo môi trường cho những căn bệnh tâm lý phát sinh.
Không ai có thể đau nỗi đau hộ cô, không ai gánh trọng trách nuôi các con khôn lớn ngoài cô. Cô vẫn phải tiếp tục sống, phải bỏ ngoài tai thị phi của người đời để làm việc, nuôi con. Chỉ cần trời biết, đất biết, trên thiên đường có anh chứng giám, tình yêu cô giành cho anh là mãi mãi, trách nhiệm với các con, với mẹ anh là một phần thử thách anh muốn cô vượt qua trong cõi tạm bợ này. Mở mắt để đi vì Minh biết, ở một nơi rất xa, anh thấu rõ vợ mình chưa làm một điều gì để khiến chồng phải khổ sở, oán trách.
*Ghi theo lời kể nhân vật