Mẹ tôi rất thích hoa mẫu đơn trắng, tôi đã từng đọc ở đâu đó, người ta nói rằng mẫu đơn trắng là loài hoa biểu tượng cho những người phụ nữ cả đời luôn sống vì người khác, chẳng còn để chút yêu thương nào dành cho chính bản thân mình.
Mẹ tôi là một bà mẹ đơn thân. Một mình mẹ nuôi tôi từ khi mới lên 5 tuổi. Suốt gần 20 năm qua, người ta thấy mẹ luôn vui vẻ, yêu đời và tràn đầy năng lượng sống tích cực. Nhưng tất cả không chỉ đơn giản như vẻ bề ngoài của nó…
Mẹ và bố kết hôn khi mẹ đã ngoài 30 tuổi, thời đó 30 tuổi mà chưa có con cái cắp nách là đã đủ để bị từ làng trên xóm dưới nói ra nói vào chẳng ra cái gì rồi. Đằng này mẹ tôi còn chưa cả kết hôn.
Không phải vì mẹ tôi có khuyết điểm gì đâu, ngược lại là đằng khác. Bà đẹp lắm! Bà là hoa khôi của cả làng thời đó, đã vậy từ học vấn đến nết người đều chẳng chê được vào đâu. Lý do mẹ không lấy chồng thì có lẽ phần nhiều vì mẹ tôi luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình, với các em út còn nhỏ trong nhà.
Mẹ cứ miệt mài đi làm kiếm thêm thu nhập để có tiền lo cho các em ăn học, tuy rằng ông bà ngoại tôi không hề yêu cầu hay áp đặt gì nhưng mẹ luôn cảm thấy là chị cả trong nhà thì những việc đó đương nhiên phải gánh vác.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, khi mà các cậu các dì đã đâu vào đó rồi thì mẹ tôi đã thành bà cô “ế” mà hàng xóm cứ độc mồm độc miệng nói với nhau.
Năm 32 tuổi, duyên phận kỳ lạ bất ngờ đưa đường chỉ lối cho bố mẹ tôi tìm được nhau. Bố kém mẹ đến 6 tuổi, đây thật sự là khoảng cách tuổi tác không hề nhỏ. Bố mẹ tôi quen biết và tiến đến hôn nhân nhanh chóng đến nỗi không ai ngờ. Thật ra, với tính cách của mẹ tôi, việc quyết định chóng vánh như vậy không hề giống bà một chút nào. Đến mãi về sau này, trong một lần sang chơi nhà nội, bố tôi từng nói rằng bố cũng không biết rốt cuộc mẹ kết hôn với bố vì lý do gì.
Nhà nội tôi phản đối cuộc hôn nhân này đến cùng. Bố tôi thuộc dạng công tử bột, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Bố chưa bao giờ phải làm bất kỳ việc gì trong nhà, ngay cả chuyện học hành cũng được ông bà nội nuông chiều đến độ chỉ vừa học hết cấp 3 liền ở nhà trông coi việc kinh doanh cho gia đình.
Nói là trông coi thôi chứ bố tôi chỉ việc ngồi đó chỉ tay năm ngón. Mà chỉ mỗi việc chỉ đạo nhân công làm việc thôi bố tôi cũng làm không đến nơi đến chốn. Cứ hễ sểnh ra một cái là bố trốn biệt tăm đi chơi bời đàn đúm với đám trai làng. Ông bà nội biết vậy nhưng cũng chẳng bao giờ ý kiến gì, thậm chí còn cổ xuý cho bố tham ăn lười làm nữa cơ.
Bố và mẹ tôi thật sự là khác biệt như nước với lửa. Một người có trách nhiệm, một người vô tâm vô tính. Một người chăm chỉ tần tảo, một người quanh năm chỉ ăn chơi. Một người chín chắn đĩnh đạc, một người chỉ to xác chứ tâm hồn cứ mãi như đứa trẻ con…
Đám cưới không được sự ủng hộ của bậc trưởng bối thì luôn xuề xoà và đơn giản hết mức. Mẹ tôi cũng không đòi hỏi phải mâm nọ lễ kia, miễn sao đúng lễ nghĩa với người lớn, với gia tiên là được rồi.
Có lẽ vì lớn tuổi nên lấy nhau cả năm trời mẹ tôi vẫn không có tin vui, thế là nhà nội tôi lại càng có cớ để nói ra nói vào, thậm chí liên tục xui bố bỏ quách đi lấy vợ mới trẻ hơn, đẹp hơn cho xong. Được cái, bố chưa bao giờ thèm nghe những lời nói chẳng ra gì đó, bình thường bố cứ lờ đi, hôm nào tâm trạng không vui vẻ, bố sẽ quát cho mấy người lắm chuyện đó một trận.
Thế nhưng, cuối cùng thì bố mẹ tôi vẫn không thể ở được với nhau trọn đời. Mẹ là người yêu cầu ly hôn.
Đó là chuyện của hơn 20 năm trước, suốt thời gian lấy nhau, bố tôi vẫn giữ nguyên cái tính cách cậu ấm con nhà giàu của mình. Ngoại trừ những lúc ra trông hàng quán cho bà nội thì bố cứ lông bông suốt ngày. Bố đi chơi bất kể ngày đêm, chỉ cần có hội bạn bè gọi thì bố lập tức đứng phắt dậy đi luôn không cần biết chuyện gì hết.
Ngay cả khi mẹ mang thai tôi thì mọi chuyện cũng chẳng có gì thay đổi hết. Vì không được vừa ý nhà chồng nên mẹ tôi phải tự thân vận động làm mọi thứ, tiền của bố được ông bà nội cho không ít nhưng lòng tự trọng cao ngất khiến mẹ tôi chưa bao giờ tơ hào một đồng. Mặc dù là sản phụ lớn tuổi, bác sĩ yêu cầu nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng mẹ vẫn đi làm quần quật cho đến ngày lâm bồn. Mẹ tằn tiện từng chút một để chuẩn bị cho thời gian nghỉ sinh không thể làm ra kinh tế, còn bố thì ông bà cứ cho đồng nào liền nướng hết đồng đó vào mấy cái thú vui chơi vô thưởng vô phạt.
Bố tôi trẻ con đến nỗi không hề biết tâm sinh lý và những lưu tâm cho phụ nữ mang thai, nếu mẹ nhờ ông việc gì thì ông đều niệm câu thần chú quen thuộc “cứ để đấy lát anh làm”. Thế nhưng cái “lát” đấy của ông thì kéo dài đến bất tận. Mẹ là người chỉn chu nên nhờ một vài lần không được bà đều chủ động tự làm luôn cho xong việc.
Rồi ngày mẹ tôi sinh nở cũng chỉ khá khẩm hơn một chút khi bố tôi xuất hiện ở bệnh viện mỗi ngày mấy tiếng trong suốt 4 ngày phải nằm viện của mẹ. Có lẽ ấn tượng duy nhất của bố vào cái ngày thiêng liêng đó chỉ là một đứa trẻ xuất hiện mà thôi. Đứa trẻ ấy chẳng ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của ông vì chắc chắn là vợ ông sẽ lo hết rồi.
Năm đó, không biết vì sao mà kiến ba khoang “lộng hành” khắp nơi. Mẹ tôi ôm con nhỏ trong nhà thì thấy xuất hiện rất nhiều loài kiến này nên đã nói với bố lắp lưới mắt cáo và mua thêm sả về đuổi kiến. Đương nhiên, câu trả lời của bố vẫn là “để lát về anh làm”.
Đêm hôm đó, trong nhà không có màn lớn mà chỉ có chiếc màn chụp nhỏ cho em bé mà thôi, vậy là mẹ đã cẩn thận chụp màn cho tôi để tránh kiến ba khoang tấn công, còn mẹ thì nằm bên ngoài không có bất kỳ thứ gì che chắn.
Ngày hôm sau khi tỉnh dậy, trán mẹ bỏng rát, vết thương khá lớn và rộp nước trầm trọng. Vết mổ sinh nở chưa lành cùng với vết bỏng sâu khiến mẹ sốt li bì mất một ngày. Mẹ mất sữa do cơn sốt, còn tôi thì bắt đầu quấy khóc.
Tôi không biết mẹ đã nghĩ gì trong giờ phút đó. Mẹ luôn là một người phụ nữ mạnh mẽ vô cùng, vậy trong thời khắc yếu đuối nhất đó mẹ đã có cảm xúc như thế nào?
Hai ngày sau bố tôi đi chơi về nhà nhưng thay vì chào đón bố bằng hình ảnh của vợ con thì là ánh đèn vàng leo lét trong phòng ăn và đơn ly hôn trên bàn trong phòng khách.
Mẹ bế tôi về nhà ngoại, ông bà không hề thắc mắc điều gì cũng chẳng can ngăn hay khuyên nhủ. Họ biết con gái họ là người thế nào, mẹ sẽ âm thầm chịu đựng cho đến khi không thể chịu được nữa. Và một khi mẹ đã quyết định thì không gì có thể thay đổi được sự lựa chọn đó.
Bố tôi cho đến tận bây giờ đã có không ít lần tìm đủ mọi cách để níu kéo mẹ, ông thậm chí không hề đi bước nữa. Mẹ tôi cũng vậy. Họ trở thành những người bạn với nhau, chung tay nuôi dạy con cái nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ cơ hội lại quay lại như xưa.
Mẹ tôi là người lạc quan, ông trời phú cho bà nhan sắc hơn người và ở cái tuổi U60 bà vẫn trẻ đẹp đến khó tin. Thế nhưng bố tôi, người kém mẹ đến 6 tuổi thì giờ lại “xuống sắc” hơn mẹ rất nhiều. Tôi có duy nhất một lần hỏi mẹ vì sao lại quyết định bỏ bố, mẹ cười đến híp đôi mắt dài đẹp lại, vô thức giơ tay xoa nhẹ vết sẹo bỏng dài trên trán.
- Vì bố con mãi không chịu lớn lên.