Cách thoát thân khi cháy nhà
Vụ hỏa hoạn vừa xảy ra hôm 11/6 cướp đi sinh mạng của 5 người trong một gia đình ở Hà Nội cho thấy kỹ năng phòng cháy của người dân chưa được nắm vững. Các nạn nhân đều tử vong do ngạt khói trong lúc tìm đường thoát hiểm. Vậy chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản nào để tự cứu mình khỏi đám cháy, không mắc phải những sai lầm chết người?
Bác sĩ Cao Xuân Phúc, khoa Y học Lao động, Học viện Quân y 103 đưa ra các nguyên tắc sơ cấp cứu về y học như sau:
- Tìm cách tắt tất cả cầu dao điện, báo động - gọi cứu hỏa và dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập lửa gần chỗ mình. Sau đó, cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm.
- Những gia đình sống trên các tòa nhà cao tầng, cần nhanh chóng tìm cầu thang bộ để thoát thân, tuyệt đối không sử dụng thang máy, lưu ý đóng chặt cửa bảo hộ sau khi thoát ra.
- Bạn có thể dùng búa, vật cứng phá bỏ cửa sổ, cửa chính tạo lối thoát hiểm và phá bỏ nhanh tất cả cửa thông hơi đuổi khói. Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, bạn cần dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí và gọi to, dùng quần áo sáng màu vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu.
- Nếu có dây cứu nạn hay thang dây hãy dùng nó để thoát thân; trường hợp không có hãy tận dụng các sợi dây đủ chắc làm từ rèm cửa, quần áo có sẵn trong nhà để tụt xuống dưới. Trong mọi tình huống, người dân không nên thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao.
- Khi có dấu hiệu hỏa hoạn như khói, mùi khét, hoặc chuông báo cháy, lập tức lấy mũ bảo hiểm (loại có kính, trùm đầu) để thoát ra.
Những sai lầm chết người khi gặp hỏa hoạn
Thiếu tướng, GS.TS Lê Năm, nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, cũng cho hay, trong sinh hoạt hàng ngày rất nhiều nguyên nhân không ngờ dẫn tới những vụ cháy đáng tiếc. Hỏa hoạn có thể xảy ra với bất kỳ ngôi nhà nào song nhiều người hiện đang rất chủ quan, do đó, khi xảy ra sự cố, họ trở nên hoảng loạn và lúng túng không biết xử trí ra sao.
Nhiều hộ dân hiện không có sẵn búa hoặc bình chữa cháy (loại mini) trong nhà. Giáo sư cho biết đây là những vật dụng cần thiết song nhiều gia đình chủ quan không tự trang bị. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế cửa chốt bên trong bởi khi xảy ra sự cố, người gặp nạn trong nhà ít khi có thể chạy đến mở khóa, gây khó khăn trong quá trình thoát hiểm.
Những người bị nạn thường chạy tán loạn tìm đường và không biết tránh luồng khói dày đặc từ đám cháy. Việc hít quá nhiều khói gây ngạt nhanh hơn. Do đó, cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Người bị nạn phải cố gắng không hít khói. Trong trường hợp này, bạn nên dùng miếng vải, mền, bất cứ thứ gì có thể, làm ướt nó và đặt trên mũi và miệng để hạn chế khói hít vào.
Đặc biệt, khi phát hiện có cháy, nhiều người tìm mọi cách để thoát ra theo lối cửa chính bất kể đó là tâm điểm của đám cháy, dẫn đến việc bị bỏng nặng, thậm chí mất mạng ngay khi chưa kịp thoát ra. Giáo sư Lê Năm cho rằng, lúc này, cửa chính không phải là lối thoát hiểm an toàn, thay vào đó, bạn nên tìm cách phá vỡ cửa sổ, thậm chí phá tường vách (nếu dễ) để thoát ra.
“Qua nhiều vụ cháy nổ hiện nay, các hộ dân cần lưu ý hơn đến quá trình thiết kế, xây dựng ngôi nhà. Bên cạnh việc chống trộm, cần xây lối thoát hiểm bởi các sự cố như cháy nổ hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, vị chuyên gia cho hay.
Nếu bạn là người cứu hộ, sau khi đưa nạn nhân ra khỏi vùng cháy, cần hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu họ ngừng thở. Tiếp đó, chúng ta cần chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia, có những thói quen hàng ngày có thể là mối nguy gây cháy nổ bất cứ lúc nào. Do đó, người dân lưu ý để các dụng cụ dễ cháy xa công tắc, nguồn phát lửa, lắp thiết bị báo rò ga, báo cháy, phát hiện khói phòng trường hợp ngủ say.
Ngoài ra, bạn cũng không nên chứa chất dễ cháy trong nhà và luôn có bình cứu hỏa dự trữ để đảm bảo an toàn cho gia đình.