Vợ chồng là phải đồng cam cộng khổ và có phúc cùng hưởng, luôn sát cánh bên nhau không rời cả khi khó khăn hay thuận lợi. Nếu chỉ vì chút khó khăn đã muốn rũ bỏ trách nhiệm thì tình nghĩa vợ chồng còn lại gì?
Vợ bị tai nạn, chồng nhờ bố mẹ vợ chăm hộ
Vân (26 tuổi) chia sẻ cô và Trọng kết hôn được gần 2 năm và vẫn chưa sinh con. “Lương của hai vợ chồng chưa cao, mẹ chồng tôi lại thường xuyên đau yếu, vì thế chúng tôi muốn ổn định kinh tế thêm, sau đó mới lên kế hoạch mang thai”, Vân nói.
Cách đây 2 tháng Vân bị tai nạn giao thông gây nứt xương ống chân. May mắn không đến mức gãy xương nhưng Vân vẫn phải bó bột, mất thời gian khá lâu mới hồi phục. Trong sinh hoạt hàng ngày cô vẫn cần người chăm sóc.
“Sau khi xuất viện về nhà được 3 hôm thì chồng bỗng đưa ra một đề nghị khiến tôi sững sờ”, Vân kể. Trọng muốn Vân về nhà ngoại dưỡng thương, để bố mẹ vợ chăm sóc cho cô.
|
Ảnh minh họa. |
“Bên này anh phải đi làm cả ngày, mẹ thì già cả sức khỏe kém, thật sự không có ai chăm lo cho em được. Em ở đây thì chính bản thân em cũng phải chịu thiệt thòi. Phụ nữ đi lấy chồng chẳng phải vẫn thích về nhà mẹ đẻ hay sao? Đợt này em có thể về với bố mẹ khá lâu rồi, anh sẽ thường xuyên sang thăm em...”, Trọng giải thích với vợ.
Vân lặng người không biết phải trả lời anh ra sao. Đề nghị của Trọng là điều mà cô chưa từng nghĩ tới. Gia đình cô điều kiện không tốt, bố mẹ hơn 60 tuổi vẫn bán hàng ở chợ để mưu sinh. Nếu phải chăm thêm một người bị thương nằm liệt giường thì ông bà cũng rất vất vả.
Trong lúc Vân còn đang miên man suy nghĩ thì nhận được điện thoại của mẹ giục cô nhanh về bên nhà. Lúc ấy cô mới biết Trọng đã gọi điện trước cho mẹ vợ để nhờ vả. Vân im lặng không nói thêm gì nữa, nhờ chồng thu dọn đồ đạc rồi về nhà mẹ đẻ.
Món quà tê tái cho anh chồng “khôn hết phần thiên hạ”
Vân tâm sự: “Tôi ở bên nhà mẹ đẻ gần 2 tháng thì chồng qua chơi được vài lần với lý do công việc bận rộn. Số tiền tôi dành dụm được từ trước đã trả hết chi phí điều trị trong bệnh viện, vậy nên thời gian đó đều là ông bà nuôi tôi”.
Có lần Vân nhắc chồng gửi tiền sinh hoạt cho bố mẹ cô thì Trọng trợn trừng kinh hãi: “Bố mẹ nuôi con gái mà còn đòi tiền à? Trần đời anh chưa thấy ai như vậy”. Ông bà chẳng bao giờ đòi hỏi hay ca thán, có điều Vân thương bố mẹ không có điều kiện, từ lúc cô về ông bà phải tốn kém mua sắm rất nhiều thứ.
Ông bà vừa quay cuồng với quầy hàng ở chợ, đến bữa lại về nấu cơm cho cô, đêm hôm cũng chẳng được ngon giấc vì con gái. Nhìn bố mẹ như vậy mà Vân thương đứt ruột.
Sau hơn 2 tháng sức khỏe của Vân hồi phục hoàn toàn, Trọng vui mừng tới đón vợ về. Thời gian qua cô đi vắng, trong nhà không ai cơm nước, dọn dẹp, anh luôn mong ngóng đến ngày này. Ai ngờ thấy chồng đến đón Vân lại tỉnh bơ: “Tôi không về đâu, tôi ở lại đây chăm sóc bố mẹ”.
“Anh ta to giọng bảo tôi đã đi lấy chồng thì nhà chồng mới là nhà mình, sao lại đòi ở lại nhà đẻ với bố mẹ”, Vân cho hay. Lúc ấy cô mới nhìn thẳng chồng chậm rãi nhấn mạnh từng chữ:
“Khỏe mạnh thì ở lại phục vụ anh và nhà chồng, còn ốm yếu không làm được gì thì về nhà đẻ cho bố mẹ chăm sóc? Anh thật sự khôn hết phần thiên hạ đấy. Kết hôn là để có người nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau, cho đi và nhận lại tương đồng. Lấy chồng mà vẫn về làm khổ bố mẹ thì thôi tôi ở nhà phụng dưỡng báo hiếu ông bà! Đấy là tôi mới ốm nhẹ, nếu tình huống thảm hại hơn thì chắc anh đá ngay tôi ra đường rồi nhỉ?".
Nói xong Vân đưa ra lá đơn ly hôn đã ký sẵn khiến Trọng tái xám mặt mày. Đúng là anh đã ích kỷ và toan tính, không muốn phải vất vả, cực nhọc chăm sóc vợ nhưng anh không hề muốn ly hôn. Song dù Trọng có xin lỗi thế nào Vân cũng không tha thứ. Hai người chưa có con, niềm tin và tổn thương khó lấy lại, cô kiên quyết chọn phương án ly hôn.