Tôi kết hôn hai lần. Cả hai lần đều thất bại. Tôi yêu cũng vài lần, có những mối tình kết thúc để lại ít nhiều thương cảm, cho dầu cô gái tôi yêu bỏ đi. Cũng có mối tình, sau khi người đàn bà lộ rõ bản chất, làm tôi chua xót... Song tất cả sau khi những đau đớn qua đi, tôi đều cho là duyên kiếp và nhẹ nhàng.
Ở lần kết hôn thứ nhất, năm ấy tôi 29 tuổi, áo lính còn khét mùi bom đạn. Khi ấy, vợ cũ vừa ra trường Đại học tổng hợp Sinh hóa, còn rất trẻ; Vợ cũ sinh ra ở một gia đình nề nếp còn tôi chỉ có kiến thức của trận mạc mang vào cái gia đình mới, thật mong manh. Chuyện tan vỡ này, tôi đã lấy vài chi tiết, dựng cài ở truyện ngắn "Nhà ba hộ". Vợ cũ của tôi là một người hiền. Rất hiền. Sau khi chia tay, vợ cũ ở vậy, nuôi con tôi khôn lớn và tận giờ lại nuôi cháu ngoại, khi con gái tôi đã lấy chồng.
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. |
Tôi chưa thấy ai có hiếu như vợ cũ. Cả hai thân phụ của cô ốm dai dẳng rất lâu, hết cha tới mẹ. Vợ cũ nai lưng ra chăm sóc cha đến khi ông mất, rồi đến chăm mẹ hơn chục năm nay, khi mà công việc của vợ cũ chăm con, chăm cháu ngoại vốn ngập đầu. Có thời kì, vợ chồng con gái tôi phải thuê tới hai người giúp việc mà công việc nhà cháu vẫn bừa bộn. Như thế, để nói là, vợ cũ, dù khi không có người giúp việc, vẫn phải oằn vai mà gánh duyên nợ... thật là, không có ai có thể thay thế cho cái tình yêu của vợ cũ -tình mẹ dành cho đứa con gái đầu của tôi.
Có một điều tôi không ngần ngại nói ra rằng, áp lực sống như vậy, tuổi vợ cũ cũng đã nhiều và bà trở nên khó tính, cùng với cá tính luôn trầm trầm, nhiều khi bà trở thành người stress nghiêm trọng. Tôi thường dạy con tôi rằng, đến bây giờ, qua hơn ba mươi nhăm năm, dù bất kì hoàn cảnh nào xảy ra, cha con mình sẽ bên mẹ con, dẫu tình yêu của bố mẹ như con chim sẻ xổ lồng đã bay xa rồi, chẳng bao giờ trở lại...
Tuy chia tay, song suốt hơn vài chục năm, chúng tôi năm nào cũng gặp nhau để bàn về việc giáo dục đứa con chung.
Ở xứ người, vui buồn chen chật, nhưng cũng có những ngày tuyết băng rơi trắng trời, cho tôi nhớ quê hương, cả chạnh nhớ bao kỉ niệm về người vợ cũ. Thời gian xóa đi những vết đau và những nét tử tế của cô chưa khi nào cũ, cứ ngời lên rõ hằn trên nền tuyết trắng. Kể cả thói quen rất sạch của cô ấy khi nhặt rau muống, phải rửa hàng dăm bẩy bận, soi từng lá rau lên trời, ở cái thời mà rau cỏ chưa ngấm thuốc sâu như hôm nay.
|
Giang (trái ảnh), kế là chị Dung vợ cũ. kế là con gái Trang trong ngày giỗ của gia đình. Chị Dung luôn như người chị lớn, tha thứ hỉ xả. Độ phương vô bờ. |
Gần hai chục năm trôi đi, chúng tôi đều đã già.
Con gái tôi trở thành một người tử tế, học hành thành đạt, kiếm ra tiền và yêu thương cả hai, tôi và cô ấy. Điều đó tất nhiên là công chung, cả hai đều “vì con mà ngon rau”, xích lại gần nhau, nhưng phải nói, có được điều tốt đẹp ấy chủ yếu là công sức, công đức của vợ cũ. Bởi dù tôi có giúp đỡ tiền nong, nhà cửa v.v...bao nhiêu thì đâu bằng biết bao nhiêu ngày đêm, khi con tôi đau ốm, mà nó vốn hay ốm đau quặt quẹo từ khi mới sinh, nhiều khi phố phường mất điện, cô ấy thức trắng để quạt cho con tôi ngủ.
Năm kia tôi về nhà. Con gái tôi lấy chồng và sinh con. Có cháu ngoại, cả tôi và bà ấy đều vui. Như cái cây kết trái. Không ngờ cháu ngoại chúng tôi lại bị dị tật ở tim. Nó hư hao suốt ngày như mẹ nó ngày xưa. Thế là, xưa thì chăm con, nay lại chăm cháu.
Mùa hạ năm kia, cả cháu ngoại và con tôi đều nằm viện cấp cứu. Bà ngoại chúng - vợ cũ của tôi lăn ra chăm cả hai đứa trẻ, mệt nhoài gần hai tháng trong bệnh viện Bạch Mai chật chội. Tôi ngỏ ý đỡ tay, bà đuổi tôi quầy quậy. Bảo, ông quen ở Tây, tính lại nóng như lửa, vào đây bức xúc chịu sao được. Thôi ông về đi!
Tuần sau, con gái tôi đỡ thì cháu ngoại nặng hơn. Thương con gái cả đêm cùng mẹ chăm cháu, ngày hôm ấy nắng Hà Nội vào hạ như rắc lửa, Vợ cũ lại lóc cóc đạp cái xe cũ kĩ đi làm hộ việc kinh doanh của con gái, chạy ngang chạy dọc giao một lô hàng sách cho khách hàng nào đó. Chắc là do cả hai tháng quần quật, có chiếc xe ô tô lùi thế nào, bà ấy không tránh được, ngã quật xuống mép cầu thang. Tôi hớt hải nghe tin chạy lại, thấy hai mẹ con dìu nhau ra viện về. Trên vai mẹ nó, cả mặt vợ cũ của tôi đầy máu. Môi rách khâu sáu mũi. Tôi òa khóc tức tưởi giữa đường phố như đứa trẻ.
Cuối năm ngoái. Con gái tôi mua nhà.
Dọn về nhà mới vẫn mời bố thi thoảng ghé qua ăn cơm cho vui. Chợt thấy gần trưa nào bà ấy cũng tất bật bỏ ăn ra khỏi nhà. Hỏi ra mới biết, bố vợ cũ của tôi bấy nay ốm đã lâu, giờ quá nặng, phải rửa ráy chăm sóc như trẻ thơ mỗi ngày. Nhà neo người, mẹ vợ cũ của tôi lại không muốn ai chăm chồng. Thế là vợ cũ tôi ngày ngày trông cháu tim bẩm sinh, trưa lên chăm bố, rửa ráy cho ăn chừng ba tiếng. Rồi, dù rét mướt, dù nắng hạ, lại xe ôm trở về...Cuộc sống bao nhiêu năm nay đè nặng lên vai vợ cũ của tôi, mẹ của con gái cả.
Khuôn mặt chả còn thanh hao mơn mởn thủa chúng tôi yêu. Tóc bà đã bạc lất phất như tuyết phẩy và đôi mắt mỏi mệt nhiều khóe nhăn vẫn luôn cười với cháu ngoại: “Ra đây với bà.”
Mỗi bận có tôi, bà vẫn nhớ chuyện xưa. Cho tôi ăn những món ăn tôi thích và vẫn không quên gỡ xương, để miếng cá vào bát và bảo, ông ăn đi cho nóng.
Một ngày, không biết con gái tôi kể thế nào mà bà ấy bảo, ông giờ rảnh, lại viết ít, không còn buôn bán như xưa nữa, thì ngày ngày 10h lên đây, chở tôi lên ông ngoại con gái, ba tiếng. Thay vì thuê xe ôm, vẫn trả 30 ngàn đi về, tôi trả ông 50 ngàn, ông vừa có tiền mà mua thuốc lá, vừa có công việc lại được tiếng ngày nào cũng thăm ông ngoại, chả nhàn cư.... Tôi hiểu chữ nhàn cư. Muốn nói gì cho hay hay, cố trêu bà và bảo, bà ơi thuê nhà văn đi làm xe ôm phải trả 100 ngàn một cuốc. Con gái tôi cũng đùa, trêu mẹ bảo, mẹ trả bố như thế sao mà được, 100 vẫn rẻ. Vợ cũ tôi hồn nhiên, thong thả phân bua:
- Tôi chỉ có ngần ấy thôi, có bao nhiêu tiền bấy nay đã cho con ông, dựng vợ gả chồng, vừa rồi lại cho vay mà mua nhà. Năm chục là hơn xe ôm ngoài hai chục ngàn rồi.
Tôi quay mặt đi. Có hai gịot nước mắt lăn trên đôi má của tôi, nhưng trong lòng tôi thì có một dòng chì nóng bỏng cứ chọc chạy suốt thẳng vào tim
Đêm ấy, cha con tôi ngồi nói chuyện với nhau.
Tôi bảo, trong tiểu thuyết Quyên của bố, cái khát vọng yêu và khát vọng gia đình ở khắp các chương sách. Giá như 30 năm trước mẹ con hiểu biết hơn, bố cũng hiểu sâu sắc hơn, chín bỏ làm mười và thương nhường nhịn mẹ, cuộc sống bao cấp không khó khăn như vậy, bố mẹ không chia lìa, để tình yêu không như con chim sẻ hoảng hốt bay đi. Khi người ta cố chấp, không thuộc câu "chín bỏ làm mười", hiếu thắng, không trọng nhau, thì trước sau đều tan rã.
Tôi mơ một lần yêu, một sự an bằng, cái gốc gia đình văn hóa Việt chứ chả hay ho gì khi một thằng đàn ông hai ba lần dang dở.
Vợ chồng con cái đôi khi bát đũa xô, tôi bảo, trông vào sự đổ vỡ của bố mẹ, hạnh phúc mong manh, có khi trơn như lươn, cố mà giữ...
Bây giờ đi đâu, dù chả còn yêu nhau được nữa, mà về với nhau, nhưng tôi vẫn nhớ đăm đắm biết bao, những gì tốt đẹp nguyên thủy trắng phau tinh khôi của người vợ cũ - một người con gái Việt thuần túy Hà Nội. Tôi tâm thành, nếu bà ấy có mất trước, thì bố con tôi thờ, nếu tôi đi trước bà ấy, thì vong hồn tôi sẽ che chở cho bà. Còn nếu như, chả may bà ấy ốm, thì mặc mẹ thị phi, tôi sẽ vào viện chăm bà, trả nghĩa như sông suối cho con cháu và chính thằng chồng cũ bất hạnh, ngu xuẩn chưa tường câu "chín bỏ làm mười" khốn nạn là tôi.
Cuộc sống đầy bất ngờ, nhiều khi cáu giận biến cá nhân con người ta như hỏa ngục và thậm chí trở nên có thể thù hằn làm chi nhỉ, nếu như trên mặt tuyết trắng phau, ta bình tâm lại cho cơn hỏa ngục qua đi, để nhìn mà tìm và nhìn thấy có những gì còn lại của hơi nóng mặt trời, những mầm hoa và những đọt cỏ xanh trong mắt...
Tái bút : Khi tôi chuẩn bị ra cuốn sách có tạp bút này, tôi đã ly hôn người vợ thứ Hai, mà chính sự rạn vỡ, tan nát, đau đớn ở mối tình thứ hai này, đã có cơ duyên để đẻ ra tiểu thuyết Quyên. Tôi cũng không định lấy vợ lần thứ Ba, song duyên trời lại cho tôi yêu. Vừa về Việt Nam dăm hôm, dăm hôm với người thứ Ba, chuẩn bị cuộc sống gia đình trong tương lai, kiểm tra bếp núc thấy thiếu lọ muối và hạt tiêu, tôi điện cho con gái nói với cháu rằng, con có thể chỉ cho bố nơi nào bán lọ muối nhỏ và hạt tiêu để bố và chị ấy dùng cho bữa ăn sáng không? Con gái tôi nói với vợ cũ thế nào không biết, để khi tôi về thăm nhà cháu và vợ cũ, sau 4 tháng đi Đức. Vừa gặp bà ấy nhìn tôi khen: Dạo này khí chất ông khá hơn nhiều so với trước dây nửa năm. Tốt lắm, lấy vợ mới đi cho nó chăm ông. Tôi chỉ cười, thoáng nghĩ, hay con gái tôi đã kể với mẹ việc tôi đã yêu. Phát quà cho cháu ngoại xong, con gái tôi đưa cho hai cái lọ nhở: Đây bố nhé, một lọ tiêu, một lọ muối tinh đã rang. Hạt tiêu và muối tối qua mẹ xay giã hì hụi cho bố đấy. Tôi quay lại vợ cũ, bà ấy không tỏ vẻ gì, vẫn im lặng nấu nướng cho cháu gái ngoại ăn sớm, để nó kịp tới trường. Hóa ra bà ấy thừa biết chuyện sắp lấy vợ của tôi rồi, lại vẫn như cái thuở thương tay chồng cũ, số phận 40 năm vẫn lênh đênh, nay cũng thừa biết tôi yêu cô gái trẻ vốn khi ở nhà cưng chiều, nên chưa thạo việc nội trợ. Từ dưng mắt tôi cay xè. Tôi hai tay bưng, đón lấy hai cái lọ bé, xinh xẻo, cầm nó lên mà lòng nặng trĩu. Không cất lên lời.../.