Tan làm, anh Phạm Quang Minh (35 tuổi, Hà Nội) vội vã trở về nhà. Ăn cơm tối xong, anh nằm ngả lưng ở phòng khách, chờ cuộc gọi của khách.
Ngoài làm tài xế ở công ty, một năm gần đây, anh Minh nhận chạy dịch vụ đưa người say về nhà. Anh xác định làm thêm vào buổi tối, nên không đăng ký chính thức ở các công ty cung cấp dịch vụ này.
Anh Minh chọn cách đưa số điện thoại lên các hội nhóm tài xế trên mạng xã hội. Khách gọi, anh tự thỏa thuận giá cả và nhận chuyến.
|
Tài xế nhận dịch vụ đưa người say về nhà để kiếm thêm thu nhập. Ảnh minh họa: Pixabay |
Vì làm tự do nên anh cũng không có nhiều khách hàng. Mỗi tuần, anh chạy khoảng 3-4 chuyến chở người say về nhà. Thông thường, anh chỉ nhận chuyến từ 21h – 24h để giữ sức khỏe làm tốt công việc chính.
Mỗi lần có chuyến, anh Minh bắt xe ôm công nghệ đến điểm hẹn, nhận chìa khóa, lái xe chở khách về nhà. Sau đó, anh lại bắt xe ôm quay về hoặc ngồi chờ ở quán cà phê.
“Tôi tính chi phí dịch vụ dựa trên tiền thuê xe ôm cộng thêm giá cước 11.000 đồng/km. Trung bình mỗi chuyến, tôi bỏ túi được khoảng 100.000 đồng”, anh Minh cho biết.
Anh Kim Văn Tùng (30 tuổi, Hà Nội) mới nhận chạy dịch vụ đưa người say về nhà được hơn nửa năm. Tuy nhiên, anh may mắn có nhiều khách, đặc biệt là khách quen. Anh cũng xác định làm công việc này để kiếm thêm.
Anh Tùng có cách tính cước phí khác anh Minh. Cụ thể, anh tính theo chuyến. Chuyến có quãng đường dưới 10km anh lấy 250.000 đồng. Giá này đã bao gồm tiền xe ôm của anh.
Sau mỗi chuyến xe đưa người say về nhà, anh Tùng còn khoảng 100.000 – 150.000 đồng. Mỗi tối từ 20h – 24h, anh chạy được 2-3 chuyến, những dịp lễ, Tết số chuyến sẽ tăng thêm.
Dịp cận Tết, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tổ chức tất niên. Thế nên, số chuyến chở khách say về nhà của anh Tùng phải hơn 5 lần mỗi tối.
“Có lúc khách gọi nhiều, trùng lịch, tôi phải chia lại cho các anh em khác. Đến khi có khách mà không chạy kịp, họ cho ngược lại tôi”, anh Tùng nói.
|
Anh Tùng nhận chở khách say rượu bia về nhà. Ảnh: NVCC |
Số tiền kiếm được mỗi đêm của tài xế dịch vụ đưa người say về nhà không quá cao. Thế nhưng, những bạc bẽo của nghề lại muôn hình vạn trạng.
Anh Danh Thắng (47 tuổi, tỉnh Bình Dương) kể, 3 tháng trước, anh nhận cuộc gọi từ một khách hàng nam. Qua điện thoại, anh đoán người này đã say đến mức không kiểm soát được hành vi.
Dù có chút e ngại, nhưng anh Thắng tự tin 15 năm kinh nghiệm trong nghề tài xế sẽ giúp mình xử lý tốt mọi tình huống. Anh đến điểm hẹn thì thấy vị khách trung niên đứng xiêu vẹo, tay quàng lên vai bạn gái trẻ.
“Người này đưa chìa khóa xe ô tô hiệu Mercedes và nói địa chỉ của một khách sạn. Tôi chạy được một đoạn đường ngắn thì bạn gái của vị khách ói luôn ra xe.
Tôi loay hoay hạ kính xe để bớt mùi thì nghe vị khách nam to tiếng: 'Mày biết lái xe không? Mày đi cẩn thận, không tao đánh chết bây giờ…'. Ông ấy chửi nhiều lắm, toàn những lời tục tĩu.
Tôi bình tĩnh bước xuống xe, gọi cho người đặt chuyến đến nói chuyện. Người này đến nơi, rối rít xin lỗi và mong tôi bỏ qua, tiếp tục hành trình”, anh Thắng bức xúc nhớ lại.
Lần đầu lái xe sang
Anh Minh và anh Tùng may mắn hơn đồng nghiệp. Khách hàng mà hai người gặp chưa có ai say đến mất kiểm soát.
“Khách hàng của tôi rất lịch sự. Tôi chưa gặp ai hành xử thô lỗ, quá đáng. Họ phần lớn làm trong cơ quan nhà nước hoặc chủ doanh nghiệp, uống rượu xã giao, chứ không say bét nhè.
Họ có thể tự lái xe nhưng tuân thủ pháp luật, sợ bị phạt nên thuê tôi lái xe chở về”, anh Minh cho biết.
Trước khách hàng có địa vị xã hội và giàu có, anh Minh tự nhủ càng phải thận trọng hơn. Để đảm bảo khách quan, lúc đến điểm hẹn, anh dùng điện thoại quay lại hiện trạng, đồ đạc có trên xe.
Thậm chí, anh Minh còn xin phép khách hàng cho mình bật điện thoại quay video suốt hành trình.
Anh Minh nhớ: “Có lần, tôi nhận lái một chiếc Mercedes S450, chở khách về khu căn hộ cao cấp. Tôi chưa bao giờ chạy xe sang, đắt tiền như thế.
Cho nên, suốt chuyến, tôi hồi hộp, sợ xảy ra va chạm trên đường. Chỉ cần một vết xước nhỏ trên xe, tôi có thể phải đền bù vài triệu đồng”.
|
Một trong những chiếc xe sang mà anh Minh từng điều khiển chở khách về nhà. Ảnh: NVCC |
Còn với anh Tùng, khách hàng là thượng đế, tài xế phải niềm nở thì lần sau, họ mới nhớ đến và tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Dù khách khó chịu hay nói đủ chuyện “trên trời dưới biển”, anh Tùng đều chọn cách ứng xử phù hợp. Quan trọng hơn hết, anh luôn đảm bảo đưa khách về nhà an toàn, không xảy ra va chạm hoặc bị xử phạt trên đường.
Anh Tùng khẳng định: “Đối với khách nữ, tôi chủ động giữ khoảng cách, tránh điều tiếng không hay cho khách và chính mình.
Nếu khách nữ thích trò chuyện thì mình trao đổi thêm, còn không thì mình im lặng để cho họ chợp mắt một chút.
Có chuyến, tôi chở cả một gia đình đi ăn sinh nhật hoặc tất niên về. Thấy tôi vui vẻ, lịch sự, họ còn boa thêm tiền”.
Nghề nào cũng có buồn vui, làm tài xế cho người say cũng không tránh khỏi những tình huống khó xử. Tài xế chấp nhận bước vào nghề này xác định đặt chữ "nhẫn" lên hàng đầu.
Ngoài có thêm thu nhập, họ còn cảm thấy vui mỗi khi đưa được một người say về nhà an toàn.