Nam bệnh nhân Đặng Văn H., 66 tuổi ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cấp cứu rạng sáng ngày 5/1 trong tình trạng vật vã kích thích, tức ngực, khó thở và thở rít, tím tái, xuất tiết nhiều đờm dãi, mạch nhanh, tê lưỡi, rối loạn nhịp tim.
Gia đình cho biết, người đàn ông xuất hiện các triệu chứng trên sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu. Tại bệnh viện, các xét nghiệm chẩn đoán người bệnh ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy kết hợp các biện pháp chống độc, chống loạn nhịp tim, vận mạch...
Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, bỏ được máy thở, các chỉ số sinh tồn trở về giới hạn bình thường.
|
Củ ấu tàu - Hình minh họa. |
Bác sĩ Đỗ Tiến Anh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, củ ấu tàu (còn gọi là ô đầu, ú tầu, gấu tầu, củ gấu rừng) là rễ của cây ô đầu, thường mọc hoang hoặc được trồng ở các vùng biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai… Thành phần độc tố chính của của ấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcalloid khác…
Trong Đông y, chất độc aconitin trong củ ấu tàu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý sau khi được bào chế cẩn thận.
Rượu ngâm củ ấu tàu thường được dùng để làm rượu thuốc xoa bóp chữa các chứng: đau nhức chân tay, tê mỏi, sai khớp, bầm da do đụng dập, chế biến ở nhiều dạng như ngâm tươi, ngâm khô, ngâm thái mỏng sao vàng trong rượu.
Đặc biệt, dân gian vẫn coi củ ấu tàu như một loại thuốc bổ, cho rằng có thể ăn và uống được khi chế biến đúng phương pháp như nấu cháu ấu tàu, uống rượu ngâm củ ấu tàu sao vàng. Cách thức chế biến này hoàn toàn theo kinh nghiệm dân gian, không xác định đã loại được hoàn toàn độc tính hay chưa.
Bác sĩ Tiến Anh nhấn mạnh, khi ăn cháo hoặc uống rượu ngâm củ ấu tàu có độc tính, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện ngay. Người bệnh có cảm giác tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, nôn, rối loạn hệ thần kinh, co giật.
Nặng hơn, người bệnh xuất hiện các rối loạn tim mạch nguy hiểm, có thể gây trụy mạch, trụy huyết áp dẫn đến tử vong nhanh chóng.
“Ngộ độc củ ấu tàu đa phần là các ca ngộ độc nặng, trong khi hiện nay chưa có chất giải độc đặc hiệu. Việc điều trị chỉ bằng phương pháp xử trí ngộ độc chung và điều trị triệu chứng, nên nhiều ca tử vong rất thương tâm và đáng tiếc”, bác sĩ Tiến Anh cho hay.
Nam bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu. Nếu sử dụng, cần hết sức thận trọng, làm theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố.
Đặc biệt, tuyệt đối không được uống rượu ngâm của ấu tàu bởi nguy cơ ngộ độc dẫn đến tử vong rất lớn. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em.
Khi có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.