Cách đây mấy năm khi cuốn tiểu thuyết "Người tình của chồng tôi" (L’amant de mon mari) của nữ văn sĩ Madelaine Chapsal ra đời, đã dấy lên một cuộc tranh cãi sôi nổi. Người đàn ông có thể yêu cùng lúc hai người đàn bà? Người vợ có nên chấp một ông chồng như thế?
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Madelaine là một người đàn ông thành đạt - nhà văn Christian. Tác giả đặt người đàn ông này giữa hai người đàn bà có tính cách trái ngược nhau. Nếu người vợ lúc nào cũng có vẻ bình lặng, thì người tình lại năng nổ, đầy sức sống. Cũng do sự đối lập đó nên Christian yêu cùng một lúc cả hai người đàn bà.
|
Ảnh mang tính minh họa. |
Người ta chất vấn Madelaine: “Lẽ nào bà không biết ghen?”. Nhưng người vợ trong truyện đã trả lời thay tác giả: “Như tất cả mọi người, đâu phải tôi không biết ghen. Nhưng tôi nghĩ tình yêu chẳng bao giờ lặp lại giống như lần trước. Không ai có thể sống với ai đó như họ đã sống với người khác. Cũng như không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Mỗi mối tình có kiểu yêu riêng của nó. Vậy thì tại sao ta phải ghen?”.
Thế là cả ba người bị cuốn đi suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết. Có lúc họ sung sướng, hạnh phúc. Có lúc họ đau khổ, dằn vặt. Không phải ngẫu nhiên cuốn tiểu thuyết gai góc này được đứng trong danh mục sách bán chạy nhất nước Pháp, nơi hàng năm xuất hiện bao nhiêu tác phẩm lừng danh. Bởi vì nó đã phản ánh đúng một thực trạng xã hội không phải là cá biệt, khi mà những mối tình tay ba diễn ra nhan nhản, từ tầng lớp bình dân đến những người nổi tiếng.
Những tờ báo lớn của phương Tây như The Sun, The Star, Elle và cả tờ People đua nhau khai thác chủ đề ngoại tình của những nhân vật có thế lực. Philip Hall, Tổng biên tập tạp chí The News of The World, thừa nhận rằng, doanh số mỗi kỳ năm triệu bản của báo ông là nhờ vào các bài viết khai thác chuyện tình của những người nổi tiếng, trong đó phần lớn là chuyện ngoại tình.
Những chuyện tình của công nương Diana hoặc của thái tử Charles với Camilla đều được đăng tải không chỉ ở Anh mà nhiều tờ báo khác trên thế giới. Tại Pháp, người ta tỏ ra khoan dung với chuyện yêu đương của cố Tổng thống François Mitterrand với người tình Anne Pingeot kéo dài nhiều năm và có con với nhau - cô bé Mazarine. Trong tang lễ Tổng thống Mitterrand, dân Pháp còn tỏ ra xúc động khi thấy cô con gái của Anne Pingeot ngồi bên cạnh con của Danielle - vợ chính thức của ông.
Theo một cuộc điều tra dư luận xã hội, 86% dân Pháp đồng ý với sự hiện diện của cả hai gia đình trong lễ tang và họ còn tỏ ra khó chịu khi báo chí nước ngoài khuấy động chuyện này lên như thể không chấp nhận được. Trong khi ở Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng tỏ ra e ngại khi chuyện tình ái của ông với cô người mẫu Giannifer Flower bị tờ The Star đưa lên trang đầu. Còn cố vấn tổng thống Mỹ, Dick Morris phải từ chức khi sự dan díu với cô gái làng chơi Sherry Rowlands bị phanh phui trên mặt báo.
Trong các bài báo đó đã xuất hiện nhiều cách ứng xử khác nhau khi phát hiện ra chồng hay vợ ngoại tình. Ví như thái độ của Simone Signoret khi phát hiện mối quan hệ bồ bịch giữa Yves Montand, chồng bà, với cô đào lừng danh Marilyn Monroe là một thái độ nhiều người cho là quá nhẫn nhục. Bà nói: “Bí quyết của hạnh phúc gia đình là không phải lúc nào cũng nhìn thấu tỏ tất cả mà đôi khi cần phải biết làm ngơ”.
Không những thế, bà còn bào chữa cho chồng rằng: “Làm sao anh ấy thoát khỏi sự quyến rũ của một tài năng và nhan sắc vào loại nhất thế giới như Marilyn Monroe?”. Bà cũng bào chữa luôn cho cả người tình của chồng: “Có nên trách Monroe không, khi cô ta không cưỡng lại nổi sức hấp dẫn của người đàn ông như chồng tôi?”. Và thú nhận: “Chính tôi cũng đã bị Montand chinh phục ngay trong lần gặp đầu tiên”. Còn khi tờ Oggi cho đăng hình Daniel Ducruet đang âu yếm cô người mẫu 24 tuổi thì vợ ông ta, công chúa Stéphanie của xứ Monaco, bay ngay về Roc Angel, gọi luật sư đến tiến hành thủ tục ly hôn ngay lập tức mà không thèm nghe một lời phân trần nào.
Cuộc thăm dò của tuần báo Newsweek cho biết, 70% người Mỹ cho rằng, ngoại tình là kẻ thù số một của hôn nhân, nhưng lại có 22% nói “thỉnh thoảng ngoại tình” có thể tạo không khí thoải mái hơn trong gia đình.
Phải chăng trong số các vụ ly hôn đang gia tăng hiện nay, lý do ngoại tình chiếm một tỷ lệ không nhỏ? Bởi phụ nữ ngày nay đâu phải những người chỉ quẩn quanh xó bếp. Họ có vị trí ngoài xã hội, không ít người còn có địa vị cao hơn chồng. Dường như những phụ nữ làm ngơ cho các ông chồng “ăn chả” ngày càng ít đi. Một số người trả đũa bằng cách cũng “ăn nem”. Những người khác đưa đơn ly hôn ra tòa. Đó là chưa kể tờ Nữ tính nguyệt san ở Trung Quốc còn cho biết, trong số 7.100 nữ tù nhân đang bị giam ở miền Đông Bắc nước này, có hơn 1.700 người can tội giết chồng. Phần lớn những người chồng bị giết là những kẻ phản bội và đối xử tàn tệ với vợ.
Từ hàng nghìn năm trước, trong thần thoại Hy Lạp đã có những vị thần yêu nhiều đến nỗi phải chết thê thảm vì sự ghen tuông của người tình. Trải qua bao nhiêu triều đại phong kiến, cũng không thiếu những đấng quân vương chỉ vì ham mê sắc dục mà tan tành cả cơ nghiệp. Nhưng có lẽ chưa bao giờ hiện tượng tham lam trong tình yêu lại phong phú và đa dạng như bây giờ. Không chỉ có “phái mạnh” tham lam mà cả “phái yếu” cũng không chịu kém. Dường như họ xem đó cũng là một cách thể hiện bình đẳng giới trong tình yêu?
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khi người ta đã yêu ai, dĩ nhiên họ phải cảm thấy người đó có nhiều điểm hòa hợp với mình. Nhưng khi tiếp xúc với người khác, người ta lại thèm muốn những cái mà người yêu hay người bạn đời của mình không có. Sức cuốn hút đó nếu xảy ra cả từ hai phía sẽ làm họ không muốn rời nhau ra. Tình huống éo le này nếu xảy ra trong một xã hội mà người ta không nhìn nhận sự tham lam và phản bội trong tình yêu như một hành vi xuống cấp về đạo đức, mà coi đó như là “chuyện riêng tư” của mỗi người thì dĩ nhiên những cuộc tình “tay ba”, thậm chí “tay tư” sẽ nảy nở như cỏ gặp mưa xuân.
Nhưng những cuộc tình đó thường đi về đâu, khi mỗi con người đều có quyền bình đẳng và không cam chịu? Đó cũng là một trong những lý do quan trọng giải thích vì sao tỷ lệ ly hôn hiện nay không ngừng gia tăng.