Connie Christy (43 tuổi, ở Sheridan, Indiana, Mỹ) từ nhỏ đã sống khép kín với mọi người vì cơ thể của cô phát ra một mùi hương khó chịu – mùi cá ươn!
Cô nghĩ rằng cô nên tắm rửa và đánh răng thường xuyên hơn cũng như xịt nước hoa để cơ thể không còn "bốc mùi". Tuy nhiên, điều ấy còn tồi tệ hơn rất nhiều. Sau 30 phút, mùi hương ấy thật sự kinh dị bởi nó giống mùi thức ăn phân hủy.
Chính vì cơ thể luôn có mùi hôi tanh nên các bạn cùng lớp của Christy đã đặt cho cô biệt danh "cá ngừ", đau khổ hơn là cô không thể có bạn và không được ai yêu vì không ai dám đứng gần.
Bản thân cô không thể ngửi được mùi của chính cơ thể mình mà chỉ có những người xung quanh mới ngửi được mùi khó chịu này.
|
Người phụ nữ mắc căn bệnh kỳ lạ khiến cơ thể tỏa mùi tanh như cá ươn. Ảnh minh họa |
Tương tự Connie Christy, Ellie James, 44 tuổi, sống tại Abingdon, hạt Oxfordshire, là một trong số ít người mắc phải hội chứng người có mùi cá.
Trong suốt 14 năm qua, Ellie James không thể sống thiếu nước hoa cũng như sản phẩm xịt khử mùi cơ thể.
Để cải thiện tình hình, các nhân viên y tế đã khuyên cô nên sử dụng loại xà phòng cân bằng độ PH đặc biệt, và nhờ chế độ ăn hợp lý, dùng thuốc kháng sinh đã giúp cô lấy lại sự tự tin, thậm chí cô còn tìm được tình yêu với bạn trai Dan Molston.
Được biết, hội chứng mùi ươn hay mùi trứng thối (Trimethylaminuria) là hội chứng di truyền hiếm gặp, hiện tại trên thế giới có chưa đến 1.000 người mắc bệnh.
Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa, cơ thể không chuyển hóa trimethylamin (TAM) có trong thực phẩm có mùi tanh khi ăn vào làm cho hóa chất tích tụ bên trong cơ thể, nhất là gan trước khi nó được bài tiết ra ngoài qua đường mồ hôi, nước tiểu và hơi thở.
Thông thường, cơ thể sản xuất TMA trong ruột dưới tác dụng của một số vi khuẩn giúp tiêu hóa thực phẩm chứa nhiều chất cholin như trứng, gan và cá. Khi số lượng trimethylamin trong cơ thể đầy đủ thì sự tiêu hóa diễn ra bình thường nhưng ở các trường hợp có rối loạn chuyển hóa gây thiếu hụt enzym FM03 sẽ khiến TMA không được chuyển hóa mà tích tụ lại và toát ra khỏi cơ thể (qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở).
Tùy theo nồng độ TMA trong máu mà người bệnh có mức độ hôi thối khác nhau.
Hiện nay, do là một bệnh lý hiếm gặp lại chứa đựng nhiều điều bí ẩn nên vẫn chưa có biện pháp đặc trị, người bệnh chủ yếu thực hiện chế độ sinh hoạt để hạn chế mùi như tăng cường vệ sinh cơ thể, sử dụng chất khử mùi và tránh các thực phẩm có hàm lượng trimethylamin cao như trứng, thịt cá, pho-mát, bơ, tinh bột, rau có màu xanh đậm như súp-lơ, đậu Hà Lan, hải sản và dầu cá.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề xuất có thể sử dụng thuốc kháng sinh để tăng cường các vi khuẩn có lợi như lactobacilus để ngăn cản các vi khuẩn tạo ra TMA nhằm hạn chế mùi hôi thối cho cơ thể.