Có 4 con khi mới 21 tuổi
Cuối năm 2010, quá mong con, chị Lê Thị Việt Trinh (ngụ tỉnh An Giang) đến phòng mạch tư để kích trứng. Sau lần tác động ấy, chị Trinh mang thai. Nhưng, ngay lần đầu đi siêu âm, chị vô cùng lo lắng khi được các bác sĩ cho biết mình mang đa thai.
Chị nói: “Đi khám, các bác sĩ nói tôi đang mang một lúc 3 em bé. Lúc đó, tôi cũng hơi lo lắng nhưng nghĩ mình còn trẻ nên nghĩ có 3 con cũng được. Biết là sẽ rất khó khăn nhưng vợ chồng sẽ cố gắng nuôi con. Khi ấy, các bác sĩ cũng có khuyên tôi bỏ đi 1 bé để an toàn nhưng đứa nào cũng là con mình, làm sao bỏ được?”.
Tuy nhiên, đến tháng thứ 6, chị như chết lặng khi bác sĩ cho biết chị có thêm một bé nữa. Nghe tin, chị lo sợ và hoang mang nhiều hơn.
Chị chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà cả gia đình bên ngoại, bên nội, ai nghe tin cũng... buồn. Rồi từ buồn, họ chuyển sang lo lắng. Họ lo việc quá nhiều con, ngày sinh nở sẽ không “mẹ tròn con vuông”, không có đủ điều kiện để lo cho các bé đầy đủ... Có lúc, cả gia đình chỉ biết ôm nhau khóc”.
|
Chị Lê Thị Việt Trinh bên cạnh 4 con của mình. |
Từ khi biết mang thai 4 đứa con, chị Trinh đi đứng cẩn thận hơn, làm việc gì cũng nhẹ nhàng. Những tháng cuối thai kỳ, vì quá to nên ban đêm, chị Trinh không thể nằm như bình thường mà luôn phải ngồi để ngủ. Vì quá lo lắng cho sự an toàn của con và các cháu, khi mang thai gần 7 tháng, mẹ chị Trinh đưa chị lên TP.HCM, ở nhờ nhà chị của bà. Rồi cái ngày trọng đại cũng đến. Một đêm, chị đau đến độ ngủ không được mà ngồi dậy cũng không xong. Thấy vậy, mẹ chị lập tức đưa chị vào bệnh viện.
Tháng 8/2011, tại bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), chị sinh 4 đứa con bằng biện pháp mổ. Đó cũng chính là ngày mà 3 cô công chúa đáng yêu và 1 chàng hoàng tử tinh nghịch chào đời.
“Vừa mở mắt ra, tôi đã tìm các con ngay. Nhưng lúc đó, tôi không thấy các con của mình đâu cả. Tôi hỏi thì mẹ tôi nói các bé được bác sĩ đưa đi hấp điện rồi vì sinh tư nên các bé rất yếu. Hơn nữa, các bé lại quá nhẹ cân so với trẻ bình thường. Tuy nhiên cả 4 bé đều dễ thương và xinh xắn. Nghe mẹ nói vậy, tôi khóc ngất vì hạnh phúc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi hiểu được cảm giác làm mẹ thiêng liêng như thế nào”, chị Trinh chia sẻ.
Khi nghe tin chị sinh tư, bạn bè của chị Trinh vô cùng ngạc nhiên. Không ai ngờ, cô bạn nhỏ nhắn, tuổi còn quá trẻ giờ đã là mẹ của 4 đứa con.
Chị chia sẻ: “Khi các bạn sang thăm tôi, ai cũng tỏ ra vô cùng thích thú với 4 đứa bé. Tuy là một trai, ba gái nhưng 4 bé lại giống nhau như đúc. Ngay cả tôi cũng cảm thấy hết sức bất ngờ. Bởi tôi vẫn còn quá trẻ, nhưng đã làm mẹ của 4 đứa con. Cứ như có một phép màu vừa xảy đến trong cuộc đời của tôi vậy”.
10 tháng sụt 10 cân
Bối rối đầu tiên chị phải đối mặt khi xuất viện là về đến nhà, không đủ chỗ cho 4 đứa con nằm. Nhà nhỏ, chiếc giường đôi vốn chỉ đủ cho 2 vợ chồng. Giờ có thêm 4 bé, chồng chị Trinh phải bố trí một chiếc giường to hơn và anh phải ra ngủ riêng. Khổ cực hơn, từ ngày có con, anh chị gần như phải thường xuyên thức đêm.
Sau khi sinh, lúc nào nhà chị Trinh cũng có tiếng trẻ con nhưng, tiếng cười đùa thì ít, tiếng khóc quấy thì nhiều. Nhiều lúc các bé luân phiên khóc cả đêm khiến cả nhà phải thức giấc để trông chừng.
Chị Trinh kể, mỗi lúc các bé khóc, quấy, chị phải huy động cả nhà thức dậy cùng chăm. Bà nội bế một bé, bà ngoại bế một bé, vợ chồng chị mỗi người một bé. Chị nói: “Có khi chúng khóc đồng loạt. Cũng có lúc hết đứa này khóc rồi đến đứa kia. Nằm nghỉ dưỡng sau sinh chưa được ba ngày, thấy ông xã cứ loay hoay dỗ mãi mà con không nín, tôi đành ngồi dậy giúp chồng. May là có bà nội, bà ngoại ở cạnh, nếu không, vợ chồng tôi cũng không biết phải làm sao”.
Vất vả mất vài tháng, chị quen dần và có kinh nghiệm hơn. Thế nên, khi nghe các bé khóc, chị và chồng đã biết cách dỗ và biết được các con khóc vì đói hay vì đau ốm... Chị chia sẻ: “Khi một bé khóc, tôi rút ra kinh nghiệm phải lập tức cách ly nó với các bé còn lại. Nếu không các bé khác cũng sẽ khóc theo. Con đau ốm cũng vậy, nếu không cách ly kịp là cả bốn đứa cùng đổ bệnh luôn”.
Ngoài chuyện khóc, chuyện ngủ, việc ăn uống của con cũng khiến chị mất rất nhiều “công phu”. Do sữa mẹ không đủ cho cả bốn bé, chị Trinh phải dùng sữa ngoài. Bốn bình sữa luôn được rửa sạch sẽ, chờ sẵn.
“Chiếc bình thủy chứa nước sôi loại to cũng luôn được châm đầy, thế nhưng vẫn không kịp đáp ứng khi các bé đồng loạt khóc vì đói. Vất vả nhất là khi chồng tôi đi làm, nội, ngoại bận việc. Tôi phải hết đút bình cho bé này đến bé khác rồi lại phải trông chừng để con không bị sặc. Khi các bé đã ăn dặm thì việc cho ăn bớt cực hơn nhưng để các con no, tôi phải quần quật hơn 2 tiếng đồng hồ”, chị cho biết thêm.
Để chăm các con, bà mẹ trẻ này đã không có thời gian dành cho mình. Có những ngày, sau khi tất bật từ sáng đến khuya mới lo xong cho các bé, chị thèm ngủ còn hơn thèm ăn. Chị chỉ ước ngày được ngủ một vài tiếng.
Chị nói: “Nấu ăn mất vài tiếng, cho con ăn, tắm cho con mất vài giờ, có khi chỉ chạy theo từng đứa khi chúng đùa nghịch thôi cũng khiến tôi hoa mắt. Chỉ sau 10 tháng, tôi đã sụt gần 10kg”.
Một trong những khó khăn đối với đôi vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm nuôi con là các bé quá nhẹ cân. Khi sinh, bé trai chỉ nặng 1,7kg và ba bé gái lần lượt là 1,2kg, 1,1kg và 1,6kg. Đến nay, bé trai Huỳnh Thanh Nam nặng 9,4kg, bé gái thứ hai là Huỳnh Kim Tuyến nặng 7,4kg, bé Huỳnh Kim Hương nặng 8kg và Huỳnh Kim Cương nặng 8,2kg.
“Để con được như hôm nay, nhà nghèo, vợ chồng tôi phải chắt chiu đừng đồng, từng cắc. May mắn là từ nhỏ đến giờ, mỗi lần bị bệnh, các bé đều được bác sĩ Ngô Hữu Trí (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) khám bệnh miễn phí”, chị Trinh nói.
Nói về sự vất vả khi chăm con, chị Trinh bày tỏ: “Cực thì cực thật, nhưng hình như tới thời điểm này, tôi đã quên hết tất cả cực nhọc của ngày trước rồi. Bây giờ, nhắc đến những ngày tháng đó, tự dưng, tôi sởn gai ốc. Giờ thì các bé cũng đã lớn nên tôi đỡ cực hơn trước. Mùa tựu trường tới, các bé sẽ vào lớp 1. Nhìn con càng ngày càng lớn, nhanh nhẹn, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Sau bao ngày gian khổ, các con của chúng tôi cũng đã bắt đầu bước những bước đi đầu đời đến trường. Tôi chỉ mong các con học thật giỏi để thoát nghèo thôi”.
“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”
Dù khó khăn, cực khổ nhưng vợ chồng chị Việt Trinh vẫn luôn yêu thương nhau. Thấy anh đi làm thợ hồ vất vả, một tuần chỉ được khoảng 800.000 đồng, dù bận bịu chăm sóc các con, chị vẫn nhận đồ về sửa tại nhà. Căn nhà nhỏ của anh chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, dù cả hai vợ chồng đều biết rằng con đường sắp tới của cả gia đình vẫn còn muôn vàn khó khăn.