Trên mạng xã hội, nhiều người đang truyền cho nhau bài thuốc trị sốt xuất huyết từ lá tre tươi. Theo bài thuốc được truyền tụng thì: “Lá tre tươi 30-40g cho 10kg trọng lượng cơ thể. Bé 15kg thì dùng 45-60g lá tre + 0,25 lít nước. Bé 30kg thì dùng 90-120g lá tre + 0,5 lít nước. Người lớn 60kg thì dùng 180-240g lá tre + 1 lít nước. Nếu đang điều trị trong bệnh viện thì có thể tăng thêm 30-50% lá tre cho mạnh hơn.
Lá tre + nước đun sôi nhỏ lửa 30 phút rồi chắt lấy nước, cho vào chai dùng dần 3-4 lần trong ngày. Uống liên tiếp 5-7 ngày. Kể cả khỏi rồi cũng uống cho đủ ngày đủ liều”.
Có người còn có ý tưởng “đun cả nồi nước lá tre cho cả nhà uống dự phòng, để nếu không may mắc sốt xuất huyết thì cũng nhẹ hơn, và nếu đang nằm viện thì cũng mau khỏi gấp 3 người khác” (!).
Đem câu hỏi “nước lá tre có chữa được sốt xuất huyết” hỏi GS.TS Phạm Xuân Sinh, Nguyên chủ nhiệm bộ môn dược học cổ truyền, Đại học Dược Hà Nội, GS Sinh cho biết: Lá tre (trúc diệp) là một vị thuốc nam có tác dụng thanh nhiệt (làm mát), dùng chữa cảm mạo bằng cách đun nước lá xông và uống một chút. Do có tác dụng làm mát nên nước lá tre cũng có tác dụng hạ sốt.
Tuy vậy, nếu mắc sốt xuất huyết, không thiếu gì các loại nước để bù điện giải, hạ sốt như oresol, nước bột sắn dây, nước canh rau, nước hoa quả. Hơn nữa, các nước như vừa nêu còn có nhiều vitamin, natri, muối khoáng, bổ sung cho cơ thể trong giai đoạn suy nhược, mất nước.
|
Lá tre không phải là "thần dược" chữa sốt xuất huyết. Ảnh minh họa |
Theo GS Sinh, nước lá tre có tác dụng ra mồ hôi, đi tiểu nhiều, hạ nhiệt; nước lá tre cũng không độc nên uống cũng không sao, nhưng trong trường hợp sốt xuất huyết thì uống nước lá tre lại “vô thưởng vô phạt”. Càng uống nước lá tre sẽ càng... no bụng và đi tiểu nhiều chứ không có tác dụng điều trị bệnh sốt xuất huyết. Hơn nữa, ở các đô thị như Hà Nội, tìm mua lá tre sẽ khó khăn, trong khi có vô vàn thức uống vừa bổ dưỡng, vừa có tác dụng thanh nhiệt tốt hơn lá tre nhiều. Vì vậy, mọi người không nên đồn thổi về công dụng của lá tre, xem nó là “thần dược” trong phòng và điều trị sốt xuất huyết vì thực tế không như vậy.
Hiện nay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cách phòng sốt xuất huyết hiệu quả là tăng cường diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, vứt bỏ các đồ vật không cần thiết (như lốp xe hỏng, mảnh sành, cái bát đã vỡ...) để không còn chỗ đọng nước khiến muỗi vằn đẻ trứng vào đó. Các dụng cụ chứa nước phải được đậy kín. Việc ngủ màn phải được thực hiện tuyệt đối, kể cả vào ban ngày. Phụ nữ có thai, người già và trẻ nhỏ càng cần được chú ý phòng chống muỗi đốt.
Hiện nay, đang trong giai đoạn có dịch nên bất kỳ ai có triệu chứng sốt, cần đến cơ sở y tế để thăm khám, loại trừ việc mắc sốt xuất huyết. Khi dùng thuốc hạ sốt, chỉ được dùng paracetamol, không dùng các thuốc khác như aspirin hay ibuprofen vì nếu mắc sốt xuất huyết, sẽ làm tình trạng xuất huyết nặng thêm.