Reuters đưa tin, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu máu từ 56 bệnh nhân mới mắc COVID-19, trong đó có 37 người nhiễm chủng Delta và 19 người nhiễm biến chủng Omicron. Tất cả đều có triệu chứng nhẹ, giống như cúm và không ai phải nhập viện.
Kết quả cho thấy, dù nhiễm bất cứ biến thể nào, đã được tiêm liều cơ bản hay mũi tăng cường, những người tham gia nghiên cứu "không còn virus sau trung bình khoảng 6 ngày, kể từ khi các triệu chứng khởi phát, và 1/4 người không còn virus sau hơn 8 ngày", Tiến sĩ Amy Barczak đến từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ), người đồng ủy quyền cho một báo cáo được đăng trên MedRxiv, cho biết.
|
Ảnh minh họa: Reuters. |
"Mặc dù không biết chính xác cần bao nhiêu virus để truyền bệnh cho người khác, nhưng chúng tôi dựa trên dữ liệu này để dự đoán rằng những người mắc COVID-19 nhẹ có thể lây bệnh cho người khác trong trung bình 6 ngày và đôi khi lâu hơn. Các quy định về cách ly và khẩu trang cần phải dựa trên cả thông tin này, dù là biến thể nào hoặc tình trạng tiêm chủng ra sao", Tiến sĩ Barczak cho biết.
Biến chủng Omicron lần đầu được các nhà khoa học Nam Phi công bố với thế giới vào ngày 24/11/2021. Omicron được ghi nhận là biến thể có nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2 cho đến nay. Tính tới tháng 1/2022, biến thể này đã xuất hiện ở trên 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove, cho rằng Omicron là "một biến thể gây quan ngại" và WHO vẫn đang theo dõi biến thể này cùng các dòng phụ của nó.
Omicron có ba dòng phụ là BA.1, BA.2 và BA.3. Nghiên cứu chứng minh, hai dòng BA.1 và BA.2 có sự khác biệt ở protein gai. Ở BA.3 có sự kết hợp giữa các đột biến ở protein gai của BA.1 và BA.2.
BA.2 (còn được gọi là Omicron "tàng hình") đã nhanh chóng chiếm ưu thế, dễ lây truyền hơn BA.1.