Nhắc đến bánh chưng là nhắc đến Tết, nó là một món ăn kết tinh từ rất nhiều nguyên liệu tinh túy của trời đất, đó là thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, muối tiêu... tạo thành một món ăn có hương vị độc đáo mà không món bánh nào có thể sánh được. Tuy nhiên, bánh chưng là món ăn dễ bị mốc nhất bởi nó là món ăn có độ ẩm cao, giàu dinh dưỡng, là môi trường phù hợp để nấm mốc phát triển.
Với đa số người Việt, khi thấy bánh chưng có dấu hiệu nấm mốc thì thường cắt bỏ phần mốc đi, giữ lại phần bánh còn lại để sử dụng. Tuy nhiên theo cảnh báo của chuyên gia, ăn bánh chưng bị mốc có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ung thư rất cao.
Bánh chưng là món ăn dễ bị mốc nhất.
Khi thấy bánh chưng bị mốc, hầu hết mọi người đều cắt bỏ phần mốc đi rồi ăn ngon lành. Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia dinh dưỡng, đây là một thói quen rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Bánh chưng mốc - coi chừng chứa chất độc aflatoxin
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội): "Khi bánh chưng đã bị mốc thì dù cắt bỏ phần hỏng thì nấm mốc vẫn có khả năng xâm nhập sâu vào bên trong bánh, khi ăn người dùng có thể đối mặt với nguy cơ ngộ độc".
Nghiêm trọng hơn, theo chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt: "Tất cả các thực phẩm bị mốc đều có khả năng sinh ra các độc tố. Đặc biệt, có aflatoxin gây độc cho gan, ochratoxin gây độc thận".
Trong đó, nguy cơ nhiễm bệnh vì aflatoxin là nguy hiểm nhất. Độc tố này sản sinh từ nấm mốc, có thể gây ngộ độc cấp tính cho người ăn. Nghiêm trọng hơn, độc tính của aflatoxin còn nguy hiểm gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua, có khả năng phá hủy mô gan cực kỳ nghiêm trọng.
Độc tính của aflatoxin còn nguy hiểm gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua, có khả năng phá hủy mô gan cực kỳ nghiêm trọng.
Năm 1993, aflatoxin đã được Cơ quan nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư (IARC) thuộc WHO đánh giá là chất gây ung thư tự nhiên và là một chất có độc tính cao.
Độc tố aflatoxin thường xuất hiện nhiều nhất trên ngũ cốc đó là gạo, ngô, lạc... Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên mọi người không nên sử dụng bất cứ sản phẩm nào đã bị nấm mốc. Kể cả khi bạn rửa sạch, đun lại kỹ thì nấm mốc vẫn có thể lây lan qua các phần khác, mắt thường cũng không thể thấy được, có khả năng gây hại cho cơ thể.
Với món bánh chưng, tốt nhất nên ăn khi bánh còn mới, khi có dấu hiệu bị mốc, có mùi chua, bị vữa... thì nên tuyệt đối loại bỏ, không được phép ăn.
Ngoài ra, các loại hạt ngày Tết như hướng dương, lạc, bí... khi nhận thấy dấu hiệu bị mốc cũng cần vứt bỏ ngay.
Hình ảnh nấm mốc dưới kính hiển vi.
Nên bảo quản bánh chưng như thế nào để hạn chế nấm mốc?
Theo các chuyên gia, để hạn chế nấm mốc phát triển trong bánh chưng, bạn cần phải cẩn trọng từ khâu làm bánh đến khâu bảo quản. Cụ thể như sau:
Gói bánh:
- Lá dùng để gói bánh nên được rửa kỹ và để ráo nước. Quá trình gói không nên quá chặt tay hoặc quá lỏng tay.
Để hạn chế nấm mốc phát triển trong bánh chưng, bạn cần phải cẩn trọng từ khâu làm bánh đến khâu bảo quản.
Luộc bánh:
- Trong khi nấu cần luộc làm sao để bánh được chín đều.
- Sau khi bánh được dỡ ra, nên rửa lại bánh bằng nước sạch để loại bỏ nước, nhớt khi luộc còn bám trên bánh, tránh cho bánh bị ôi thiu nhanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Tiếp đó, hãy dùng mâm hoặc vải nilon phủ lên, sau đó đặt vật nặng đè lên trên.
Bảo quản bánh:
- Để bánh trong ngăn mát, nhiệt độ từ 5-10 độ C. Ăn tới đâu, cắt tới đó, phần còn lại được gói kĩ trong túi nilon.