Bệnh tự kỷ ngày nay được gọi là một trong những căn bệnh thời đại liên quan đến rối loạn không rõ nguyên nhân. Khi một đứa trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, cha mẹ và người thân sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như đau buồn, phủ nhận, tức giận, sợ hãi hay bối rối.
Trên thế giới có tới 67 triệu người mắc bệnh này nên có rất nhiều ông bố bà mẹ cũng đang ở cùng hoàn cảnh tương tự. Điều quan trọng các bậc cha mẹ cần làm khi con mình bị chẩn đoán tự kỷ là:
- Cập nhật và phổ biến kiến thức cho bản thân và gia đình: Tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt về căn bệnh này và những ảnh hưởng có thể gây ra cho con bạn. Tự kỷ là căn bệnh hiện vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân nên bạn chỉ có thể tham khảo qua các phương tiện báo chí và truyền thông.
- Nắm được các đặc điểm của trẻ bị tự kỷ: Dù bệnh diễn tiến không giống nhau nhưng cha mẹ cần tìm hiểu và nắm được các đặc điểm chung nhất của trẻ tự kỷ và các đặc điểm riêng của con bạn để có giải pháp thích hợp.
- Chuẩn bị mọi mặt cho các quyết định sắp đưa ra như các giải pháp điều trị, các chương trình hỗ trợ của chính phủ và tư nhân cũng như các cách tiếp cận để giáo dục trẻ tự kỷ ngay tại gia đình.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ và sẵn sàng nhận giúp đỡ: Việc tìm hiểu một khối lượng lớn thông tin liên quan đến bệnh thời đại này không hề đơn giản. Hãy tìm đến sự trợ giúp của các tổ chức và cá nhân có kinh nghiệm vì ngoài sự giúp đỡ, bạn còn nhận được sự an ủi từ những người cùng hoàn cảnh để cùng con trẻ trải qua các giai đoạn khác nhau sau này.
- Không được đánh giá thấp tầm quan trọng của phương thức giáo dục phù hợp dành cho trẻ dù con bạn đang ở độ tuổi nào. Nên nhớ rằng trẻ tự kỷ hoàn toàn có khả năng học.
- Tìm hiểu và thực hiện đầy đủ các quyền lợi trẻ tự kỷ được hưởng (nếu có.
- Lưu trữ lại thông tin về sự phát triển của con bạn một cách có hệ thống để làm cơ sở chẩn đoán, đánh giá sau này – kể cả trong giai đoạn trẻ trưởng thành.
- Không được bỏ qua nhu cầu của cả gia đình: Các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ phải học hỏi rất nhiều điều mới mẻ. Việc cân bằng các nếp sống, thói quen trong gia đình để các thành viên gia đình chấp nhận và hỗ trợ là điều không hề đơn giản. Đừng quên thể hiện khiếu hài hước để giải tỏa căng thẳng cho các thành viên trong gia đình, cho chính bạn – các bậc cha mẹ và cho chính đứa con tự kỷ của bạn.
Dấu hiệu trẻ mắc chứng tự kỷ:
- Không chỉ vào đồ vật để cho biết mình quan tâm (ví dụ như, không chỉ vào một chiếc máy bay đang bay qua).
- Không nhìn vào đồ vật khi một người chỉ vào.
- Gặp khó khăn trong việc liên kết với người khác hoặc hoàn toàn không quan tâm đến người khác.
- Tránh giao tiếp bằng mắt và muốn ở một mình.
- Gặp khó khăn khi hiểu cảm xúc của người khác hoặc nói về cảm xúc của chính mình.
- Không muốn được bồng bế hoặc ôm ấp, hoặc có thể chỉ ôm khi muốn.
- Tỏ ra không nhận thức khi mọi người nói chuyện với họ, nhưng phản ứng với những âm thanh khác.
- Rất quan tâm đến mọi người, nhưng không biết cách nói chuyện, chơi hoặc liên kết với họ.
- Lặp lại hoặc nhắc lại những từ hoặc cụm từ đã nghe, hoặc lặp lại những từ hoặc cụm từ thay cho ngôn ngữ bình thường.
- Khó diễn tả nhu cầu của mình bằng từ ngữ hoặc yêu cầu.
- Không chơi những trò "giả vờ" (ví dụ như, không giả vờ cho búp bê "ăn").
- Lặp đi lặp lại các hành động.
- Gặp khó khăn trong thích nghi khi có thay đổi so với hoạt động hàng ngày.
- Có những phản ứng bất thường với mùi, vị, hình thức, cảm giác hoặc âm thanh.
- Mất các kỹ năng từng có (ví dụ như, thôi nói những từ đã từng sử dụng).