Gần đây, thạc sĩ, BSCKI Hoàng Thanh Tuấn (Hà Nội) nhận được lời "cầu cứu" của một nữ bệnh nhân bị biến chứng nặng do tiêm chất làm đầy (filler) để nâng mũi. Bệnh nhân bị viêm nặng, mưng mủ, hoại tử gần như toàn bộ sống mũi sau 10 ngày làm đẹp tại một spa ở Hà Nội.
Bác sĩ Tuấn cho biết rất nhiều ổ viêm nhỏ phá vỡ bề mặt da của bệnh nhân. Nguyên nhân gây ra biến chứng có thể từ filler không đảm bảo chất lượng, người tiêm không phải bác sĩ, thiếu kiến thức về giải phẫu và y tế. Ngoài ra, biến chứng cũng xảy ra khi bệnh nhân được tiêm trong điều kiện cơ sở vật chất kém, không được vô trùng.
|
Bệnh nhân hoại tử mũi do tiêm filler tại một spa. Ảnh: BSCC |
Sau một tuần điều trị tích cực bằng cách hút mủ, đặt dẫn lưu, bơm rửa, theo dõi sát sao, vùng mũi của bệnh nhân đã ổn định.
Chuyên gia thẩm mỹ này cảnh báo nhiều cơ sở thẩm mỹ chưa có giấy phép, không có bác sĩ, đôi khi chỉ là nhân viên spa, phun xăm thực hiện tiêm filler nâng mũi, độn cằm cho khách hàng. Bệnh nhân gặp biến chứng chủ yếu thực hiện thủ thuật làm đẹp tại những cơ sở này. Khi tình trạng trở nên phức tạp, bệnh nhân mới đến bệnh viện điều trị. Trường hợp không kịp thời xử lý có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như di chứng, tử vong.
Hiện nay, chất liệu filler bị làm giả, trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Vì vậy, bạn phải tìm hiểu kỹ hơn về thông tin sản phẩm trước khi lựa chọn. Sản phẩm filler đạt chuẩn sẽ được chứng nhận bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) hoặc chứng nhận CE Marking, sản phẩm tuân theo pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) và cho phép sản phẩm được lưu thông tự do trong thị trường châu Âu. Sản phẩm sẽ có mã số để khách hàng kiểm tra.