Hiểm họa từ việc tiêm phải filler giả
Vừa qua, Viện thẩm mỹ Bác sĩ Điền đã tiếp nhận trường hợp của H.T. tới thăm khám vùng cằm bị tổn thương nặng. Theo lời bệnh nhân kể, H.T. muốn có một chiếc cằm V-line đúng mốt hiện hành. Tuy nhiên do sợ đụng chạm dao kéo và chi phí đắt nên H.T. đã tiêm filler để cải thiện nhan sắc một cách nhanh chóng.
Sau khi tìm hiểu, chuẩn bị tinh thần thật tốt và bỏ một khoản tiền không nhỏ để đầu tư cho việc làm đẹp, cô gái trẻ đã đến một trung tâm thẩm mĩ để tiêm filler độn cằm với mong muốn mình sẽ có một chiếc cằm thon gọn đúng mốt.
Sau khi tiêm được khoảng một tuần, cằm đẹp đâu không thấy, H.T. chỉ thấy vùng cằm bắt đầu có triệu chứng mưng mủ, chảy dịch, sưng và đau.
|
Hoại tử cằm vì tiêm phải filler giả. |
Hoảng hốt với chiếc cằm của mình, H.T đã tìm đến Viện thẩm mỹ Bác sĩ Điền để thăm khám. Bác sĩ kết luận, loại chất được tiêm vào cằm H.T. có nhiều thành phần filler giả, không phải là filler 100%. Vùng cằm của cô đang có dấu hiệu hoại tử và cần phải được phẫu thuật nạo bỏ chất này ngay lập tức. Nếu không để lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Một trường hợp khác phải kể tới là trường hợp của C.H. Mặc dù là một cô gái có gương mặt rất xinh đẹp tuy nhiên C.H. vẫn muốn sở hữu một chiếc cằm thon gọn, đúng mốt. Kết quả là C.H. đã bị tiêm một loại chất không rõ nguồn gốc vào cằm, gây sưng tấy, cằm lộ rõ những vùng gồ ghề trông vô cùng đáng sợ.
C.H. đã phải tiến hành phẫu thuật 4 lần trong nhiều năm. Rất may mắn cho cô bạn đó là đến lần thứ 4, chất liệu không rõ nguồn gốc này đã được lấy ra hoàn toàn ở vùng cằm. Cô bạn đã phải trải qua rất nhiều đau đớn cũng như bỏ ra một khoản chi phí phẫu thuật không nhỏ để trả lại khuôn mặt như ngày nào.
Rộ mốt tiêm filler độn cằm
Việc phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay không còn là điều quá xa lạ với những ai luôn muốn hướng đến chuẩn mực của cái dẹp. Có muôn kiểu phẫu thuật làm đẹp với rất nhiều hình thức khác nhau. Các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ cũng “mọc lên như nấm”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong trào tiêm filler bỗng trở nên phổ biến và thực sự trở thành cơn sốt đối với những người muốn làm đẹp nhưng ngại đụng chạm dao kéo. Bởi lẽ không muốn trải qua những ca phẫu thuật với nỗi đau đớn ám ảnh kinh hoàng, không chảy máu, không tốn kém, tiêm filler đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong giới làm đẹp.
Vậy tiêm filler có lợi hay có hại, và thực chất, tiêm filler là gì? Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Hữu Điền, một trong những chuyên gia xuất sắc về thẩm mỹ nói chung, thẩm mỹ phi phẫu thuật nói riêng tại Việt Nam. Ông cũng là người trực tiếp thực hiện điều trị cho nhiều trường hợp tiêm filler giả, để tìm hiểu về loại chất filler đang gây sốt trong thời gian gần đây.
|
Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Hữu Điền là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tiêm filler thẩm mỹ. |
Xin chào bác sĩ, được biết, tiêm filler nâng sống mũi, độn cằm hiện đang gây sốt bởi mọi người cho rằng chúng thực sự rất an toàn, không gây đau đớn. Vậy, tiêm filler thực chất là kiểu làm đẹp như thế nào?
Filler là tên gọi chung của nhóm chất làm đầy mô, có khả năng thay thế các vùng tổ chức bị thiếu hụt giúp làm đầy các nếp nhăn, nếp gấp, các vùng tổ chức bị teo lép. Ngoài ra, các chất làm đầy (Filler) còn giúp tạo hình dáng vùng tiêm (mũi, cằm…).
Dựa theo thời gian tác dụng, các chất làm đầy mô (filler) được chia làm 3 nhóm:
- Nhóm các chất làm đầy mô có tác dụng tạm thời (Temporary).
- Nhóm các chất có tác dụng trong thời gian trung bình (Semi Permanent).
- Nhóm các chất có tác dụng trong gian dài hay còn gọi là không tiêu (Permanent). Tiêm các chất làm đầy mô ( filler) là một phương pháp thẩm mỹ không phẫu thuật, một xu thế thẩm mỹ trên thế giới và Việt Nam hiện nay.
Chất filler (hay còn gọi là chất làm đầy) nào được sử dụng trong thẩm mỹ?
Bất cứ chất làm đầy mô nào đạt các tiêu chuẩn về mặt y tế, pháp lý và đặc biệt được chỉ định đúng thì đều an toàn trong thẩm mỹ.
Tuy nhiên, với rất nhiều các Bác sĩ lâm sàng trên toàn thế giới thì các chất làm đầy mô có bản chất là acid Hyaluronic (HA) được lựa chọn nhiều hơn cả.
Các HA tổng hợp có cấu tạo tương tự như HA trong da cơ thể, và đều chịu sự hấp thu, ly giải của enzyme Hyaluronidase.
Thời gian tác dụng làm đầy mô của các chất này trung bình từ 1-2 năm. Vì vậy, việc sử dụng các chất làm đầy mô có bản chất HA rất an toàn. Hiện nay tại VN, có 1 số sản phẩm chất làm đầy mô (filler) đã được FDA Hoa Kỳ và Bộ Y tế cấp phép sử dụng trên thị trường như Juvederm, Restylane….
Tác dụng của chất làm đầy filler là gì, thưa bác sĩ?
Các chất làm đầy mô ( Filler) được chỉ định cho các tổn khuyết hay thiếu hụt mô, tổ chức do bệnh lý hay do quá trình lão hoá như: Sẹo lõm, các nếp nhăn, nếp gấp vùng mặt, trẻ hoá mu bàn tay.
Ngoài ra, các chất làm đầy mô được sử dụng với mục đích làm tăng thể tích vùng điều trị như trong chỉ định tiêm nâng mũi, độn cằm không phẫu thuật. Nhiều nghiên cứu trên các tạp chí khoa học đã chỉ ra rằng, phương pháp làm đẹp không phẫu thuật này sẽ dần thay thế cho 1 số loại hình phẫu thuật thẩm mỹ trong tương lai.
Vậy tiêm filler có thực sự an toàn?
Tất cả các loại chất làm đầy mô đạt tiêu chuẩn đều không gây hại với cơ thể. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị, đảm bảo an toàn với cơ thể và phù hợp về chi phí việc sử dụng các chất làm đầy mô phụ thuộc vào 3 yếu tố sau:
- Loại chất làm đầy mô (filler): loại có nguồn gốc rõ ràng, bằng chứng pháp lý lưu hành, các nghiên cứu y học lâm sàng. Loại có bản chất HA là an toàn nhất
- Bác sỹ: Bao gồm sự hiểu biết về sản phẩm, chỉ định phù hợp, cấu tạo giải phẫu vùng điều trị, kỹ thuật tiêm.
- Quy trình thực hiện: yêu cầu môi trường y tế đảm bảo và trang thiết bị phù hợp.
Kỹ thuật tiêm có vai trò quan trọng như thế nào?
Khi tiêm filler, bác sĩ có trình độ chuyên môn sẽ xác định được loại chất làm đầy mô, liều lượng và kỹ thuật tiêm phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Sự hiểu biết cấu tạo giải phẫu và biến đổi sinh lý vùng điều trị, cùng với kỹ thuật tiêm tốt sẽ cho kết quả điều trị cao, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
Việc tiêm filler được nhiều người truyền tai nhau là rất an toàn, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp tiêm filler gặp phải biến chứng. Những biến chứng có thể xảy ra là gì?
Thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp khách hàng hoảng loạn, lo lắng sau khi tiêm filler nguồn gốc không rõ ràng, tại các cơ sở thiếu uy tín, dẫn đến các biến chứng thường thấy như vón cục, xơ cứng biến dạng, nhiễm trùng, gây đau đớn tại vùng tiêm và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Các biến chứng có thể xuất hiện ngay trong, sau khi tiêm hoặc sau vài ngày. Các biến chứng cũng có thể phát hiện sau 1 thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc và đặc biệt là sức khỏe của người sử dụng.
Làm thế nào để khắc phục những biến chứng đó?
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của khách hàng, có thể tiến hành điều trị nội khoa (tiêm giải, điều trị kháng sinh, chống viêm…) hoặc phải tiến hành phẫu thuật nạo bỏ vùng tổn thương, hoặc phối hợp cả 2 phương pháp trên.
Thực tế, khách hàng cần phải biết rõ được mình đã tiêm chất gì vào cơ thể thì mới có biện pháp khắc phục kịp thời và tối ưu nhất. Rất nhiều trường hợp đã phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần mới có thể loại bỏ được một phần chất này ra khỏi cơ thể. Nếu các chất làm đầy có bản chất là HA thì rất dễ loại bỏ bằng tiêm men giải Hyaluronidase.
Bác sĩ có thể đưa ra một vài lời khuyên đối với những người đã và sẽ tiêm filler không?
Đối với những người đã tiêm và đang có ý định tiêm filler, các bạn nên chú ý một số điều sau:
- Lựa chọn cơ sở thẩm mỹ thực sự uy tín, được cấp phép hoạt động trong thẩm mỹ nói chung và phi phẫu thuật nói riêng.
- Trực tiếp thực hiện thao tác tiêm filler phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, kỹ thuật tiêm chuẩn xác, gout thẩm mỹ tinh tế để vừa đảm bảo tính an toàn và thẩm mỹ. Tuyệt đối không tùy tiện để người không có chuyên môn y tế thực hiện thao tác tiêm.
- Yêu cầu cơ sở thẩm mỹ cung cấp thông tin về sản phẩm filler bao gồm: Nhãn hiệu, hạn sử dụng, mã sản phẩm, sản phẩm còn được niêm phong trong bao bì... để đảm bảo rằng bạn được sử dụng sản phẩm an toàn, chính hãng, đã được cấp phép sử dụng.
- Dù không phải là phẫu thuật, song tiêm filler vẫn cần thực hiện theo quy trình an toàn, khoa học của Bộ Y tế, trong môi trường y tế, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, tiệt trùng…
- Sau khi tiêm filler, dù không phải kiêng cữ quá nhiều nhưng khách hàng vẫn nên tránh mát xa, trang điểm tại vùng tiêm trong 1-3 tiếng.
Cảm ơn bác sĩ!