Trước đó, ngày 8/7, bà H. có các triệu chứng sốt cao liên tục, rét run, nhức mỏi toàn cơ thể và tự mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm. Do bà H. đau đầu liên tục kèm nôn mửa nên đã được người nhà đưa nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế, được chẩn đoán viêm màng não. Kết quả xét nghiệm cấy dịch não tủy cho thấy bệnh nhân H. nhiễm liên cầu lợn.
Được biết, bệnh nhân H. làm nghề bán vé số trên địa bàn TP Huế đến cuối ngày mới về nhà. Trước khi mắc bệnh, bệnh nhân này sống cùng con, gia đình không nuôi lợn và các hộ dân xung quanh cũng không nuôi lợn. Hiện bệnh nhân đang được ngành y tế tích cực cứu chữa.
|
Liên cầu lợn là bệnh rất nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Ảnh minh họa. |
Theo cơ quan chức năng, 2 tuần qua khu vực quanh nhà bà H. sinh sống không có lợn mắc bệnh, cũng không có người nào mắc bệnh tương tự. Những người thân trong gia đình và những người xung quanh đã tiếp xúc với bà H. được theo dõi sức khỏe hàng ngày, hiện sức khỏe ổn định.
Liên cầu lợn là bệnh rất nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Cả hai thể bệnh do liên cầu khuẩn lợn gây ra là thể viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết đều gây ra biểu hiện nặng nề. Với viêm não, bệnh nhân thường phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn với bệnh nhiễm khuẩn huyết có những bệnh nhân phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng và có những ca bệnh đã không thể qua khỏi vì quá nặng.
Một nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thực hiện trong năm 2010 cho thấy, đây là bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Cụ thể trong năm 2010 miền Bắc có 55 trường hợp mắc liên cầu nặng phải nhập viện này điều trị. Trong đó có tới 7 người bị tử vong (12,73%).
Mời độc giả theo dõi video "Không có bằng chứng người khỏi bệnh COVID-19 không tái nhiễm". Nguồn: VTV24.
Bệnh liên cầu lợn ở lợn rất khó phát hiện, thường phải qua xét nghiệm mới biết. Vi khuẩn liên cầu lợn có khắp nơi trong tự nhiên, ổ chứa là lợn nhà (đã thuần chủng).
Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).
Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.
Để phòng nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, người dân không được giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, nem chạo, tiết canh... Cần nấu chín thịt lợn và các chế phẩm từ lợn bởi khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh.
Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy..., cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tránh nguy cơ tử vong.