Khi vợ im lặng, mặc kệ chồng vô tâm làm gì tùy thích là dấu hiệu nguy hiểm cho hôn nhân
Chị Nguyễn Thị Hoài (Cầu Đất, Hải Phòng) tâm sự, lấy phải ông chồng vô tâm, thiếu trách nhiệm với gia đình nên 10 năm qua chưa bao giờ chồng tự giác có đóng góp về kinh tế, hay làm việc nhà, chăm sóc con cái… giúp vợ. Sáng ra, chị nấu nướng cho con ăn rồi đưa đi học. Chồng thì sáng nào cũng đi ăn quán, tan làm thì đi nhậu, đi chơi, hoặc có về thì cắm mặt vào máy tính chơi cờ tướng, đến bữa ăn xong lại cày game tiếp.
Hồi con mới đi học, mỗi học kỳ phải đóng khoản tiền lớn, chị phải hỏi chồng thì anh quát nạt, có cho thì cũng không đủ để nộp khiến chị phải đi vay rồi chắt bóp trả dần. Nhiều lần nhỏ to tâm sự lẫn giận dỗi, cãi vã, nhưng chồng dứt khoát không đưa thêm tiền cho vợ vì sợ vợ cho nhà ngoại hoặc "bao trai". Chị Hoài từng bức xúc muốn ly hôn nhưng lại thương con thiếu vắng bố mẹ. Biết vậy chồng càng thách thức và tiếp tục vô trách nhiệm với gia đình.
Tới một ngày chị bỗng hiểu ra rằng ở với người chồng vô tâm, thiếu trách nhiệm thì con cái lớn lên sẽ bị ảnh hưởng giống bố, nên chị đã nói với bố mẹ chồng rằng: "Con không thể chấp nhận lối sống vô tâm, thiếu trách nhiệm với gia đình của anh ấy nên con xin ly hôn và tự nuôi hai con, kệ anh ấy muốn làm gì tùy ý".
Khi hiểu ra rằng ở với người chồng vô tâm sẽ ảnh hưởng tới con cái thì chị quyết định ly hôn. Ảnh minh họa.
Và chị quyết ly hôn, anh chồng hớn hở ký ngay đơn cho vợ "biết tay" xem có sống nổi khi thiếu chồng và rời khỏi nhà chồng không. Nào ngờ cầm quyết định ly hôn là chị lập tức đưa hai con đi xứ khác làm ăn, không để lại địa chỉ, thay cả số điện thoại để đoạn tuyệt quá khứ. Chị muốn anh phải sống một mình để ngẫm lại thời gian có vợ con để mà nhớ, mà thương, mà hiểu đã sống quá tệ, quá vô trách nhiệm với vợ con thế nào.
Hậu quả những cuộc nhậu nhẹt chơi bời khiến anh mắc bệnh xơ gan, nhưng không tìm nổi vợ con và vì cũng xấu hổ nên phải về quê nhờ bố mẹ lo chữa bệnh. Sau 4 năm ly hôn, vợ anh mới đưa con về thăm quê (vì hai người ở khác thôn nhưng cùng xã) và có đưa con ghé thăm nhà nội. Anh thấy vợ trẻ đẹp, vui vẻ, khỏe khoắn hơn lúc ở cùng chồng rất nhiều.
Bố mẹ chồng ngỏ ý hàn gắn gia đình nhưng chị không nghe bởi sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của chồng đã làm mất hết tình yêu thương và nghĩa vụ làm vợ của chị.
Nghĩ ngợi mãi chị quyết gửi con về quê để lo kiếm tiền. Ảnh minh họa.
Anh Hùng (Thái Bình) thì ngậm ngùi chia sẻ rằng, chị Lụa là vợ anh từng yêu chồng hơn cả bản thân, đã cãi lời cha mẹ để lấy anh. Nhà đẻ mãi miền núi xa xôi, đi lại khó khăn nên chị toàn tâm toàn ý chăm lo cho chồng từ bữa ăn, giấc ngủ, quần áo... để anh luôn bảnh bao, rảnh rang lo đi làm.
Ai ngờ chị sinh đôi hai con, mải chăm sóc và kiêng cữ thì anh đã chẳng giúp, chẳng đỡ đần cho vợ về kinh tế và việc nhà, còn cảm thấy vợ "bỏ rơi"... nên sinh tật ham chơi, lông bông nhậu nhẹt rồi say rượu gây tai nạn phải nằm viện. Tệ hơn anh luôn nghỉ làm để tụ tập bạn bè tới mức bị cho nghỉ việc... Nói chồng mãi cũng chán và mệt mỏi nên chị không hỏi han, lo lắng gì cho chồng nữa và quyết định ly hôn nhưng anh không ký đơn.
Chị Lụa đã phải dứt lòng gửi con về quê nhờ ông bà ngoại chăm để đi làm, bởi nơi nhà trọ chật chội, túng thiếu mà một mình chị không kham nổi cả làm việc, cả chăm nuôi hai con. Chị âm thầm tập bán hàng online, kiếm tiền bằng mọi cách rồi vay thêm bố mẹ đẻ mua được căn nhà nhỏ để đón con về. Ba mẹ con chăm chút nhau ăn uống, đi học, đi chơi… không cần sự có mặt của chồng.
Tới lúc anh nhận ra mình không có giá trị gì trong mắt vợ con, lại bị chị cự tuyệt "chuyện ấy" thì trách móc vợ kiếm ra tiền nên coi thường chồng, rồi giận dữ ghen tuông vô cớ… Giờ thì đến lượt anh lo không biết gia đình sẽ tồn tại được bao lâu, cũng không dám làm mình làm mẩy vì sợ vợ đòi ly hôn.
Sau hơn chục năm chung sống, anh mới hiểu là phải quan tâm đến vợ, anh đã vào bếp giúp vợ, hay gọi điện, nhắn tin hỏi han vợ… nhưng mọi thứ đã quá muộn. Chính anh đã rèn cho chị cách sống vui mà không cần chồng để giờ chị hoàn toàn vô cảm với chồng, không ghét cũng chẳng thương, chẳng lo lắng gì cho chồng nữa.
Lý giải vì sao chồng bị bỏ rơi
Rất nhiều đàn ông đã lập gia đình nhưng vẫn sống tự do như độc thân, để vợ phải vừa đi làm, vừa nuôi con, làm đủ mọi việc trong nhà, còn lo đối nội, đối ngoại. Không hiếm ông chồng sống trong nhà mà như "khách trọ", nhưng lại muốn được vợ con cung phụng, phục tùng đầy đủ, nếu không họ sẽ khó chịu, tức tối, sinh sự với vợ…, thậm chí bạo lực với vợ để chứng tỏ quyền "ông chủ" trong khi không đóng góp công sức, tiền bạc gì gia đình.
Phụ nữ gánh vác gia đình mãi cũng chán và không được chồng chia sẻ, quan tâm sẽ dần mệt mỏi, phai nhạt tình cảm… dẫn tới không còn trông mong gì ở chồng, hết tình cảm với chồng, mà có sống chỉ là nghĩa vụ với con cái.
Nếu phụ nữ xưa thường cam chịu vì sợ tiếng bị chồng bỏ, rồi lo sợ điều tiếng, sợ thay đổi, lo mất con... thì giờ đây rất nhiều phụ nữ đã không cam chịu, mà coi chồng chỉ còn trên giấy tờ không thể bỏ được vì con cần có bố. Họ sống với chồng coi như vô hình, và nhiều ông chỉ khi đối mặt với nguy cơ gia đình tan vỡ, hay gặp tai họa mới thấy sợ và quay về nhà, nhưng đôi khi việc này quá muộn.
Theo Vera Xuân Hường (chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình, Giám đốc Công ty CP tư vấn tâm lý Hạnh Phúc Việt), khi đã là vợ và chồng thì đừng mang suy nghĩ ai nợ ai, cũng đừng bao giờ xem thường, sống vô tâm với vợ. Cũng đừng bao giờ nghĩ bạn đi làm về nuôi vợ con thì được phép mắng chửi vợ là loại ăn bám. Hôn nhân hạnh phúc không thể thiếu sự sẻ chía, mà vợ chồng luôn phải mặn nồng bởi chỉ một khúc quanh trong cuộc đời nguội lạnh thì có thể mất nhau cả đời.
Tuyệt đối đừng để bụng
Là vợ và chồng, sống với nhau đừng bao giờ mang suy nghĩ ai nợ ai cả. Đàn ông đừng bao giờ xem thường, sống vô tâm, thiếu trách nhiệm với vợ khi con còn trứng nước. Cũng đừng bao giờ nghĩ rằng chồng đi làm về nuôi vợ con thì được phép mắng chửi vợ là "đồ ăn bám". Nên nhớ vợ là người sinh ra con của anh, chỉ riêng điều này thì anh đã nợ vợ cả đời rồi.
Đừng kể công
Ông cha ta có dạy "của chồng công vợ’’, vậy nên dù cho người chồng có là người kiếm ra tiền nhiều đến đâu thì nếu như sau lưng anh ta không có sự hậu thuẫn của vợ thì chắc chắn công việc cũng khó mà thuận lợi. Phụ nữ vất vả hơn đàn ông rất nhiều vì họ có hàng núi công việc không tên, còn phải đi làm, còn phải nuôi nấng, chăm sóc, dạy bảo con... Vậy nên đàn ông đừng bao giờ kể công lênh với vợ.
Biết nhận lỗi và đừng ngại ôm hôn
Trong cuộc sống hôn nhân có nhiều khi tranh luận, cãi cọ... nhưng đã là vợ chồng thì đừng ngại trò chuyện, đừng ngại cãi nhau. Nhưng sau khi cãi nhau thì hai vợ chồng phải cùng tự tìm ra lỗi, phải rút ra kinh nghiệm từ cuộc cãi vã đó và đừng dại dột bỏ đi hay ly thân (vì cách đó rất tệ, khó hàn gắn).
Nhiều người sau khi thành vợ thành chồng đã không còn động tác ôm hôn, bày tỏ tình cảm yêu thương với nhau. Nên nhớ rằng, dù đã kết hôn thì vợ chồng đừng bao giờ quên ôm hôn - bởi ôm hôn có ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện mối quan hệ giữa vợ và chồng.
Vợ chồng muốn hạnh phúc nhất định phải có sự chân thành, quan tâm, săn sóc lẫn nhau. Phụ nữ yêu sẽ có thể chấp nhận tin tưởng nhưng cô ấy sẽ không cam chịu nếu bạn chỉ biết nói suông rồi hứa hẹn cho sướng miệng. Cô ấy có thể không chỉ trích bạn, nhưng chắc chắn cô ấy sẽ thất vọng và không còn muốn tin tưởng bạn nữa. Khi chồng quá vô tâm, thiếu trách nhiệm, không chia sẻ gánh vác việc con cái, nhà cửa, tài chính thì đôi vai vợ gánh mãi cũng phải mỏi, và khi vợ đã chán ngán chồng thì khó thay đổi được suy nghĩ của họ.