1. Giá trị dinh dưỡng của mướp đắng
Mướp đắng được xếp vào danh sách những loại rau có nhiều công dụng nhất cho sức khỏe. Không chỉ chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, mướp đắng có chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, trong 100g mướp đắng sống cung cấp:
- Calo: 21
- Tinh bột: 4g
- Chất xơ: 2g
- Vitamin C: 99% giá trị hàng ngày (DV)
- Vitamin A: 44% DV
- Folate: 17% DV
- Kali: 8% DV
- Kẽm: 5% DV
- Sắt: 4% DV
Mướp đắng đặc biệt giàu vitamin C, một vi chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, tạo xương và chữa lành vết thương. Nó cũng chứa nhiều vitamin A, một loại vitamin tan trong chất béo giúp tăng cường sức khỏe của da và thị lực.
Khi ăn mướp đắng cơ thể bạn sẽ được cung cấp folate, chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển cũng như một lượng nhỏ kali, kẽm và sắt.
Đặc biệt, mướp đắng cũng là một nguồn cung cấp catechin, axit gallic, epicatechin và axit chlorogenic - những hợp chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi bị hư hại. Mướp đắng ít calo nhưng lại nhiều chất xơ, rất tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa và đường ruột.
Mướp đắng rất giàu dinh dưỡng.
2. "Siêu thực phẩm" tốt cho sức khỏe
Nghiên cứu cho thấy, ăn mướp đắng có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Mướp đắng được cho là cải thiện cách sử dụng đường trong các mô của cơ thể và thúc đẩy quá trình tiết insulin, loại hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng đường trong máu. Do vậy, nó là thực phẩm thường được sử dụng trong chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường.
Các nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy, chiết xuất mướp đắng có thể hỗ trợ làm giảm mức cholesterol, giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Theo một số nghiên cứu trên động vật, mướp đắng có thể hỗ trợ làm giảm mức cholesterol để hỗ trợ sức khỏe của tim.
Một nghiên cứu trên người cho thấy, việc sử dụng chiết xuất mướp đắng hòa tan trong nước đã làm giảm đáng kể mức độ cholesterol xấu so với giả dược. Tuy nhiên, cũng cần có thêm nghiên cứu để xác nhận những tác dụng này.
Mướp đắng cũng là thực phẩm nên được ưu tiên trong chế độ ăn kiêng giảm cân, vì nó ít calo nhưng lại giàu chất xơ. Chất xơ đi qua đường tiêu hóa rất chậm, giúp bạn no lâu hơn và giảm cảm giác đói hay thèm ăn.
Thường xuyên ăn mướp đắng sẽ giúp tăng cường hoạt động của túi mật và ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng ứ nước. Bên cạnh đó, mướp đắng còn có tác dụng làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích…
Trong y học cổ truyền phương Đông, mướp đắng được sử dụng rất phổ biến như một vị thuốc hay các món ăn - bài thuốc chữa bệnh độc đáo. Theo ThS.BS Nguyễn Quang Dương, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, mướp đắng không chỉ là thực phẩm mà còn được sử dụng trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.
Mướp đắng được dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, đau mắt đỏ, mụn nhọt, rôm sảy, mỡ máu cao, đái tháo đường…
3. Một số món ngon giải nhiệt, chữa bệnh từ mướp đắng
- Mướp đắng nhồi thịt:
Mướp đắng chọn quả vừa, gai căng đều và còn xanh. Bổ khoét bỏ ruột và hạt, rửa sạch. Thịt lợn nạc băm nhuyễn, ướp gia vị, hành, hạt tiêu, nấm hương...
Để nguyên quả mướp đắng hoặc cắt khúc vừa ăn. Dùng thìa xúc thịt nhồi vào giữa, đặt vào nồi hấp hoặc thêm chút nước đun chín là ăn được.
- Mướp đắng xào trứng:
Mướp đắng: 2 quả; Trứng gà: 2 quả. Mướp đắng rửa sạch, bỏ sạch ruột, thái lát mỏng. Trứng gà đập vào bát, nêm gia vị rồi đánh tan. Cho chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn, cho mướp đắng vào xào chín. Sau đó cho trứng vào đảo đều và nhanh tay, nêm gia vị vừa đủ, đảo đến khi trứng chín là được.
- Mướp đắng xào thịt lợn:
Mướp đắng 2 quả, thịt lợn nạc 100g. Mướp đắng rửa sạch, bỏ ruột, thái lát mỏng. Thịt nạc thái mỏng, ướp gia vị. Cho chảo lên bếp, đun dầu ăn nóng rồi cho thịt vào xào chín tới, sau đó cho mướp đắng vào xào tiếp cho đến khi mướp chín, nêm gia vị và ăn nóng với cơm.
- Mướp đắng xào đậu phụ:
Mướp đắng 2 quả, đậu phụ 2 bìa nhỏ. Mướp đắng rửa sạch, bỏ ruột, thái lát mỏng. Đậu phụ cắt miếng nhỏ, rán vàng. Cho dầu vào chảo đun cho nóng rồi cho mướp đắng vào xào chín. Cho tiếp đậu phụ và gia vị vào xào cùng cho đến khi ngấm gia vị là bắc ra ăn.
- Canh mướp đắng cá quả:
Mướp đắng rửa sạch, nạo bỏ ruột, cắt khúc vừa ăn. Cá quả làm sạch, cắt khúc. Cho nước vừa nồi canh đun sôi, nêm gia vị và cho cá nấu chín. Đến khi cá chín mềm thì cho mướp đắng vào để nấu cùng. Khi mướp đắng chín mềm cho thêm hành và rau mùi, múc ra ăn với cơm.
- Canh mướp đắng nấu tôm:
Mướp đắng: 3 quả; tôm tươi: 200g; giò sống: 100g; gia vị, hành lá, rau mùi, hạt tiêu… Mướp đắng rửa sạch, khoét bỏ ruột, cắt khúc. Tôm bóc vỏ và rút phần chỉ ở đầu và sống lưng, đem xay hoặc băm nhỏ. Trộn giò sống với tôm, ướp gia vị, nhồi vào khúc mướp đắng.
Cho nước vừa nồi canh đun sôi, cho mướp đắng đã nhồi vào tiếp tục đun đến khi mướp đắng chín mềm, thịt tôm chín, cho thêm gia vị, hành, mùi, hạt tiêu vào là có một nồi canh ngon bổ dưỡng và thơm mát.
Canh mướp đắng nấu tôm.
Ngoài các món ăn, mướp đắng còn được sử dụng làm nước uống thay trà để giải nhiệt, mát gan rất tốt.
Cách chế biến như sau: Dùng quả mướp đắng rửa sạch, thái lát, có thể dùng tươi hay phơi khô, đun sôi hoặc hãm với nước sôi để uống. Hoặc dùng quả mướp đắng tươi, bỏ ruột, ướp với đường cho ngấm, sau đó cho vào máy ép lấy nước uống cũng rất tốt.
Lưu ý: Mướp đắng có tính lạnh nên người bị lạnh không nên ăn.