Món ăn này bị đánh giá kinh dị không phải vì nó khó ăn hay không ngon, mà là do quá trình chế biến món ăn này quá tàn nhẫn và khủng khiếp.
Nhiều thực khách từng biết đến quá trình chế biến món "gà hong gió" đều cảm thấy rùng mình sợ hãi.
Nguồn gốc của món "gà hong gió"
“Gà hong gió” có phiên âm latinh là Fengganji, cho đến hiện nay vẫn còn rất nhiều giả thuyết xung quanh nguồn gốc món ăn.
Theo một số ghi chép, món ăn này có nguồn gốc từ thời Tam Quốc ở tỉnh Hồ Bắc vì có liên quan tới tích truyện về Lưu Bị.
Tương truyền, Tôn Quyền muốn lôi kéo Lưu Bị nên đã gả em gái Tôn Thượng Hương cho ông ta. Biết Lưu Bị rất thích ăn thịt gà, Tôn Thượng Hương đã sáng tạo và chế biến rất nhiều món ăn từ thịt gà để lấy lòng phu quân.
"Gà hong gió" là món ăn Lưu Bị đặc biệt yêu thích, món ăn này được Tôn Thượng Hương tạo ra vào mùa đông.
Không chỉ mỗi Lưu Bị, món ăn này được rất nhiều người yêu thích và truyền tay nhau công thức chế biến.
Sau này, mỗi một khu vực lại có một cách chế biến khác nhau, nhưng phiên bản "gà hong gió" kinh dị của người dân Tây Tạng vẫn khiến người ta ám ảnh nhất.
Mặc dù món ăn này được đánh giá rất ngon và là đặc sản của vùng đất Tây Tạng, nhưng cách chế biến quá tàn nhẫn vẫn khiến thực khách rùng mình.
Quá trình chế biến tàn nhẫn của món "gà hong gió"
Để chế biến được món ăn này, người đầu bếp phải là người có tay nghề thượng thừa. Không những yêu cầu cách dùng dao nhanh - chuẩn, mà còn đòi hỏi người đầu bếp phải có bản lĩnh và một trái tim sắc lạnh.
Để chế biến được món "gà hong gió", người đầu bếp phải làm thịt con gà sao cho nó vẫn còn sống. Quá trình làm thịt bao gồm việc vặt lông gà, rút nội tạng, quét đều gia vị, khâu kín lại con gà.
Quá trình này yêu cầu người đầu bếp phải hoàn thành với tốc độ nhanh nhất và khi kết thúc con gà vẫn còn sống nguyên. Nếu gà chết, món ăn coi như hỏng.
Những con gà trống là nguyên liệu chính món "gà hong gió" (Ảnh: Baidu)
Những con gà để chế biến món ăn này thường là những con gà trống nặng khoảng 2 - 2,5 cân. Khi bị treo lên, những con gà này vẫn còn sống, thậm chí có con còn cố gắng phát ra tiếng kêu trước khi chết dần dần.
Sau khi hoàn thành tất cả các quy trình này, người đầu bếp sẽ treo những con gà này lên vị trí thoáng đãng để hong khô.
Với điều kiện mùa đông và khí hậu đặc trưng của vùng Tây Tạng, chỉ cần hong khô 20 - 25 ngày là có thể ăn được. Trước khi ăn có thể hấp cách thuỷ một chút để thịt gà mềm ra vừa đủ.
Tuy nhiên cách chế biến kinh dị này từng nhận nhiều phản đối từ phía chính những người dân Trung Quốc.
Hiện tại, người đầu bếp sẽ giết gà trước sau đó mới tiến hành chế biến, giảm bớt đi sự đau đớn mà con gà phải chịu đựng với cách chế biến trước đây.