Cả nước vào cuộc giảm số người hút thuốc lá
Tại Việt Nam mạng lưới phòng chống tác hại thuốc lá đã có tại 62 tỉnh thành phố, 18 bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội thành lập ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá.Tại các Bộ, các tỉnh đều có cán bộ chủ chốt được phân công tham gia công tác phòng chống tác hại thuốc lá, kỹ năng truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá, kỹ năng lên kế hoạch, giám sát và triển khai chương trình phòng chống thuốc lá. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn còn chưa có ý thức từ bỏ thuốc lá.
Mặc dù các mô hình nơi làm việc không khói thuốc, trường học, cơ sở y tế, thành phố du lịch, khách sạn, nhà hàng không khói thuốc được triển khai nhân rộng nhưng thực tế vẫn còn nhiều nơi chưa ý thức được tác hại của phòng chống khói thuốc.
|
Phổi tổn thương do thuốc lá. |
Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành GATS - 2015 do Tổng cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2015 so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới ở Việt Nam có giảm khoảng 2%, tuy nhiên tỷ lệ hút thuốc trong nam giới của chúng ta vẫn rất cao chiếm 45,3 % nam giới trưởng thành hút thuốc.
Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Chỉ trong năm 2015, cả nước đã chi ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Tính như thế, mỗi người Việt Nam gánh 2,7 triệu đồng một năm để mua thuốc lá hút.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.
Hãy dừng lại khi chưa quá muộn
Các chuyên gia của tổ chức HealthBridge Canada đã chỉ ra rằng, trong thuốc lá có chứa trên 1000 chất hoá học, có một số chất gây ung thư như nicotin, hắc ín, benzene, ammonia, một số hoá chất chúng ta đã tìm thấy có trong thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, các chất có trong nước tẩy rửa, nước lau sàn.
Khi điếu thuốc được đốt lên, hơn 7.000 hóa chất được tạo ra, trong đó ít nhất 69 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố.
Đặc biệt, các hóa chất cực độc như aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, chất DDT/Dieldrin là thuốc trừ sâu, Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, hay như Methanol formaldehyde chất để ướp xác chết…
Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Theo bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên – Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai các nghiên cứu của Mỹ cho rằng có khoảng 87% trong số 177.000 ca ung thư phổi mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác, như ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền.
Còn trên thế giới, 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm là người hút thuốc lá.
Ung thư phổi đều liên quan tới thuốc lá từ thuốc lá chủ động hay thụ động. Tuy nhiên, để cai được thuốc rất khó và dựa vào ý trí, nghị lực của người nghiện thuốc lá là chính nhưng việc cai thuốc rất khó. Trong khi đó những người hút thuốc đều cho rằng bệnh chưa vận vào mình nên họ chưa thấy thuốc lá nguy hiểm như thế nào.
Trước gánh nặng do thuốc lá mang tới, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đang triển khai nhiều hoạt động trong thời gian tới để giảm số người hút thuốc như tăng cường thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính và giám sát tình hình thực thi luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng, nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá và các quy định của luật phòng chống tác hại thuốc lá.