Đối với những cô gái trẻ, việc lấy chồng có thể làm cô ấy lo lắng, lưu luyến, bịn rịn do sắp phải rời xa ngôi nhà mình từng gắn bó. Còn với tôi- một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, hôn nhân với tôi đúng là một sự cứu rỗi, giải thoát tôi khỏi những lời hỏi thăm, dè bỉu, mỉa mai, mát mẻ từ gia đình, họ hàng hoặc bất cứ người nào vô tình biết được “hoàn cảnh” của tôi.
|
Hình minh họa. |
Tôi nhớ lúc tôi 28, 29 tuổi, dưới sự giục giã của gia đình, họ hàng, tôi hạ hết mọi tiêu chuẩn về bạn trai của mình. Lúc đó, tôi xác định mình sẽ chấp nhận tất cả, lùn cũng được, lương thấp cũng được, uống rượu, hút thuốc gì cũng được cả. May mắn thay, đến năm 2017, tôi gặp chồng tôi bây giờ.
Anh là kỹ sư làm cùng tổng công ty với tôi. Chồng tôi khá cao to, phong độ. Anh có công việc tốt, lương khá cao. Chỉ có một điều là anh ấy đã từng có một đời vợ. Vợ cũ của anh đã mất và họ chưa có con chung. Khi nói đến hoàn cảnh của chồng tôi, bố mẹ tôi cũng gật đầu. Chắc họ cũng nghĩ rằng, nếu không chấp nhận anh, họ sẽ mãi không có con rể.
Trong mấy năm đi làm, tôi tiết kiệm được 100 triệu, tôi biếu bố mẹ 50 triệu còn mình cầm 50 triệu để phòng thân. Tôi nghĩ rằng tôi không thể về nhà chồng mà không mang theo thứ gì.
Quê chồng tôi cách quê tôi 100km nên tôi mới chỉ về nhà anh được 2-3 lần. Được biết, trước đám cưới, chồng tôi cũng sửa chữa, cơi nới nhà để đón tôi về ở cùng. Anh cũng rụt rè nói với tôi rằng, dù làm việc chăm chỉ nhưng anh vẫn nghèo, không có nhiều tiền. Tôi nắm tay và an ủi anh rằng, tôi và anh ấy sẽ cố gắng làm việc để có được nhiều tiền lo cho bố mẹ, các con nhỏ sau này.
Đám cưới của tôi diễn ra khá rình rang, còn bên nhà anh, vì là cưới lần 2 nên bố mẹ anh cũng cố gắng làm đơn giản, gọn nhẹ nhất có thể. Đêm tân hôn của chúng tôi diễn ra nồng nàn và ngọt ngào đúng như mong đợi. Nào ngờ sáng hôm sau, khi tôi vừa ngủ dậy đã nghe thấy tiếng chửi bới, đập cửa nhà chồng.
Thấy những tên côn đồ, mặt mũi dữ tợn, xăm trổ đầy mình vào hỏi tiền nợ, mẹ chồng tôi lập cập đi ra cổng nói nhỏ: “Các anh thông cảm, thư thư cho nhà tôi ít bữa. Nhà tôi mới cưới con mà".
Sau một hồi đôi co, cuối cùng đám côn đồ cũng chịu rời nhà tôi. Mẹ chồng tôi vội vã đóng cửa rồi đi vào nhà. Thấy tôi ngơ ngác, không hiểu gì, mẹ chồng tôi đành nói thật: “Con à, giờ con đã về làm dâu nhà này nên mẹ chẳng giấu gì con nữa. Trước thằng Tú (chồng tôi) có vay nặng lãi của đám xã hội đen 350 triệu, giờ cả tiền gốc lẫn lại cũng lên gần 500 triệu rồi. Con có đồng nào thì đưa trước để nó trả sớm cho mấy người kia, được đồng nào hay đồng nấy con ạ".
Nghe được những lời của mẹ chồng, tôi dường như chết lặng. Tôi không nghĩ một người hiền lành, tử tế như chồng tôi, lại có thể nợ một khoản lớn như vậy.
Tôi chạy vội ra vườn để hỏi chồng về khoản nợ thì càng bàng hoàng khi nghe chồng tôi thú nhận: “Khoản nợ đó là có thật. Trước kia vợ cũ của anh bị bệnh hiểm nghèo. Anh đành mang ngôi nhà chúng ta đang ở để cầm cố và vay nặng lãi để cho cô ấy chữa bệnh. Nào ngờ bệnh tình của cô ấy không thuyên giảm. Sau vài năm cố gắng chống chịu, cô ấy cũng bỏ đi. Hầu như mấy năm nay, anh đi làm được đồng nào thì đều để trả nợ mà khoản nợ vẫn chưa vơi. Anh định nói với em chuyện này trước khi cưới nhưng vì yêu em quá, sợ em bỏ anh nên…”
Những lời thú nhận của chồng làm tôi sốc thực sự. Rõ ràng là anh ấy đang cố đẩy tôi vào thế đã rồi. Giờ tôi biết phải làm sao? Bỏ về nhà đẻ chịu phận lỡ dở hay ở lại cùng chồng tiếp tục kéo cày trả món nợ mà vợ cũ của anh ấy để lại?