Ở tuổi chớm yêu, Hoa hiểu thế nào là sức mạnh khó cưỡng của ái tình, nhưng chuyện yêu đương rồi đi bước nữa của mẹ đã để lại nỗi ám ảnh lớn trong lòng Hoa.
Mẹ Ngọc Hoa rất xinh đẹp, hát hay, có sở thích hát với nhau ở các tụ điểm. Chia tay ba, mẹ mất một năm làm “phòng nhì” của một chú có vợ đang sống ở nước ngoài. Chẳng bao lâu sau ngày chú được vợ bảo lãnh, mẹ cặp kè với một chú quen ở tụ điểm hát với nhau.
Sinh em bé, mẹ vất vả vừa trông em vừa bán tạp hóa, chú chạy xe công nghệ. Cuộc sống bấp bênh là phép thử chính xác nhất cho tình cảm phơn phớt của hai người. Ly hôn, không có của để chia, chỉ có em bé mới hai tuổi ở với mẹ là niềm vui, niềm an ủi, cũng là gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Ba Ngọc Hoa vẫn dõi theo mẹ trong từng khúc quanh cuộc đời. Ba không giúp đỡ trực tiếp vì sợ mẹ ái ngại. Hoặc mẹ sẽ suy diễn rằng ba ghen tuông, ba hả hê, ba xâm phạm cuộc sống riêng tư. Mẹ không đủ mạnh mẽ, tự tin để cảm nhận sự chân thành của ba. Không đành lòng nhìn mẹ khổ, ba nhờ Ngọc Hoa làm cầu nối.
Khi giúp tiền để mẹ trang trải cuộc sống, Ngọc Hoa nói dối rằng đó là tiền đi làm thêm sau giờ học, thực ra, tiền này là của ba gián tiếp đưa mẹ. Những ngày cuối tuần, hai cha con thích ở nhà nấu ăn, đọc sách, xem ti vi cùng nhau, nhưng ba “cắt cử” Ngọc Hoa sang nhà mẹ đỡ đần việc buôn bán, giữ em.
Mẹ vốn trong sáng, vô tư, nhưng những vết hằn cuộc sống khiến mẹ đâm ra hằn học, gay gắt khi ứng xử, nói năng. Ngọc Hoa làm điều gì không vừa ý, mẹ la mắng, gắt gỏng. Mẹ còn hờn trách ba xưa kia gò bó, khó khăn, lại còn ghen tuông khiến cuộc hôn nhân gãy đổ, đẩy mẹ đến cảnh sống khổ sở. Chẳng biết giãi bày thế nào, Ngọc Hoa mong một ngày mẹ hiểu và chịu hiểu.
Ảnh minh họa
Lần ba đi làm mà bỏ quên điện thoại ở nhà, ba nhờ mở danh bạ, Ngọc Hoa được biết mật mã điện thoại là năm sinh của hai mẹ con. Biết vậy rồi trào nước mắt mong ngày mẹ trở lại mái ấm có ba người. Ba mẹ ly hôn khi Ngọc Hoa còn nhỏ nên không biết rõ nguyên nhân, chỉ loáng thoáng nghe những trận cãi vã.
Mẹ đi chơi nhiều, có khi về khuya, ba nhắc nhở: “Hai vợ chồng phải bớt bớt thú vui riêng, để dồn tình thương và chăm lo cho con”. Mẹ phân bua: “Anh nói như thể tôi là người vô trách nhiệm với gia đình vậy. Còn nói tôi không biết thương con, không thương con mà tôi lại mang nặng đẻ đau ra nó?”.
Ngọc Hoa sống với ba từ nhỏ. Ba là người đồng hành với niềm vui nỗi buồn của con trong lớp học, khi con nhổ cái răng sữa, khi con lần đầu có chu kỳ của phụ nữ, khi con thích mà bạn trai lại chẳng ngó ngàng…
Nhiều khi mẹ không nhớ sinh nhật Ngọc Hoa, mẹ đang phát trực tiếp chuyến đi dã ngoại hoặc hát với nhau với nhóm bạn. Bảo mẹ không thương thì không đúng, mẹ vẫn thương, mẹ vẫn quan tâm, nhưng mẹ thường không đến kịp lúc Ngọc Hoa cần chia sẻ nhất, với cách thức ân cần nhất.
Mẹ đẹp, tràn đầy sức sống nên lúc nào cũng thừa đàn ông đưa đón. Có đoạn là chồng chính thức, có đoạn chỉ là bạn trai. Cuộc tình nào qua đi cũng để lại điều tiếng không hay, chuốc khổ cho cả hai. Vin vào câu “hồng nhan bạc phận”, mẹ trách trời, trách đời, trách người. Mẹ đổ sụp sau ly tan, và ngay sau đó lấy lại thăng bằng bởi một mối tình khác.
Với Hoa, hình như mẹ và những người đàn ông đến với nhau bằng “lớp mặt”, bằng sự hào nhoáng bên ngoài chứ không phải bằng tình yêu đích thực hay khát vọng mang hạnh phúc đến cho nhau. Tuổi 45, mẹ dường như chưa biết yêu. Chuyện lấy chồng chỉ là khởi đầu của hành trình dâu bể. Chính vì thế, Ngọc Hoa chẳng biết mình có ích kỷ không mà lại lo lắng, bất an khi mẹ ngất ngây, vui sướng khoe “đang hẹn hò”.
Đêm muộn, Ngọc Hoa ngồi viết nhật ký online:
Con thèm tình thương của mẹ. Mẹ có thể tạm ngừng yêu đàn ông để thương con của mẹ được không? Con đoán “cuộc tình” đó của nhà mình cũng vui lắm mà. Luôn ấm áp và không sợ ai phụ rẫy.
Với ba, con mong điều ngược lại là ba hãy tìm cho mình một cô nào tốt và hợp cho cuộc sống ba thêm thi vị. Nếu được thì xúc tiến luôn. Nhưng ba nói hai cha con mình hủ hỉ với nhau vầy đã quá vui và hạnh phúc, khỏi tìm đâu đâu. Con nghĩ có khi nào mai mốt mình có bồ trước ba hay không? Với ý nghĩ đó, con bật cười rồi lại muốn khóc.
Ba vẫn lầm lũi đi làm, lo cho con và trầm ngâm nhớ mẹ, tóc ba bạc thêm… Con phải làm gì để kéo gần hai người? Hay con đợi mẹ qua hết “đợt yêu” này, sẽ rỉ rả nói với mẹ về tình yêu của ba vẫn dành cho mẹ. Tình yêu ấy vẹn nguyên, có hứa hẹn nhiều chuyển biến tích cực, vì ba luôn chiêm nghiệm, học hỏi. Và điều con thiết tha mong mỏi là gì, chắc mẹ cũng đã biết...