Mẹ chồng vừa gọi điện lên bảo vợ chồng chị nhanh chóng về vì cậu em trai vừa không may gây tai nạn, nạn nhân đang cấp cứu nguy kịch, người ta đang kéo đến nhà ăn vạ. Anh em có nhau lúc khó khăn tất nhiên là cần thiết và không làm chị phiền nếu không phải vì mục đích chính cuộc gọi là bà nhắn anh chị nhớ mang tiền về với thái độ ra lệnh.
Hôm qua bà vừa từ nhà chị về quê nên biết các con đang có khoản tiền mặt mấy trăm triệu đồng, đang chuẩn bị góp vốn cùng bạn bè mở công ty. Bà không nói kiểu: “Các con xem có chút tiền có thể tạm thời mang về cho các em nó vay mượn giải quyết sự vụ” mà lại ra lệnh: “Đang có tiền, mang về cho các em nó giải quyết cho nhà người ta, không thằng bé bị đi tù. Nhớ chưa”. Thế là trên đường về chị ấm ức mãi.
|
Ảnh minh họa. |
Mỗi lần người thân, họ hàng gia đình chồng có việc gì, từ hiếu hỷ đến ốm đau, hoạn nạn, mẹ chồng chị đều chỉ đạo: “Các con làm ăn tốt, nhà cô Mai đơn thân mỗi lần về các con nên biếu cô 500 nghìn, để đẹp mặt gia đình. Thằng con nhà chú Nghĩa sắp cưới, hai đứa mừng nó một chỉ vàng”.
Nhiều lần chị về quê, mẹ dặn đi thăm họ hàng với những món quà bà đã mua sẵn: “Ở quê, họ suy nghĩ kỳ lắm, sợ con mua những thứ không được mọi người thích nên mẹ mua hộ đây rồi”. Tất nhiên mẹ mua hộ thì con dâu không thể không đưa tiền, hoặc đưa ít thì ngại.
Có lần nhờ mẹ chồng sang mừng đám cưới một người họ hàng 500 nghìn, bà tự ý bỏ phong bì một triệu rồi bảo: “Ở quê họ mừng nhau đôi ba trăm, nhưng các con ở vị trí khác, mừng cho xứng đáng”. Nhưng khi anh gửi mẹ 1 triệu đồng để hỗ trợ phong trào thanh thiếu niên ở quê thì bà tự ý rút lại 500 nghìn và bảo: “Hội trại của chúng nó giờ có mấy cháu tham gia đâu, góp 500 nghìn là nhiều lắm rồi”.
Hay khi chị gửi biếu bác hàng xóm 2 triệu đồng vì nghe chồng kể tuổi ấu thơ bác giúp gia đình nhiều, thế mà mẹ đưa có 1 triệu vì “Lão đó có phải người thân thiết gì đâu”. Bà không giữ số tiền đó mà mang trả lại cho các con nhưng anh chị thất vọng vì “tấm lòng” của mình cũng bị can thiệp thô bạo.
Ngày cậu em trai xây nhà, mẹ chồng chị cũng mặc nhiên tính: “Số tiền chúng mày có sẵn đủ để mua nguyên vật liệu. Vợ chồng thằng cả cho vay khoản đủ để trả công thợ”. Thế rồi bà gọi điện lên bảo: “Em mày xây nhà, nó đủ tiền mua sắm nguyên vật liệu. Còn hai đứa là anh chị trưởng cả, chuẩn bị cho em nó mượn số tiền công thợ nhé”. Vì mẹ chồng như thế nên các em chồng cũng chẳng khi nào biết hỏi ý kiến anh chị, mà mặc nhiên cho rằng anh chị là phải như thế.
Có những lần gia đình tổ chức gặp mặt liên hoan, mời cô bác họ hàng, vợ chồng em trai nghiễm nhiên cho rằng anh trai và chị dâu ít về, thu nhập lại tốt hơn nên tất nhiên những bữa như thế thì anh chị chi. Gia đình chồng chị còn mặc nhiên cho rằng: “Mời cô bác họ hàng nên phải tươm tất, sang trọng một chút. Anh cả chị cả chi được mà”. Và thế là các em nhà chồng rất hồn nhiên quên bổn phận của mình!
Chị cảm thấy không thoải mái khi mẹ chồng không giữ vai trò tham vấn mà lại cứ quyết định thay, thậm chí áp đặt mức chi tiêu của anh chị. Có lần chị bảo chồng nói chuyện với mẹ rằng anh chị cần sự tự chủ, rằng anh chị có khá hơn nhưng còn phải lo nhiều công việc, quan trọng hơn anh chị muốn hành xử theo cách và theo kế hoạch của mình. Thế là mẹ chồng chị giận dỗi rằng: “Tao đẻ con ra, tao dạy nó ứng xử cho đẹp, mà giờ cũng không có quyền nữa”. Còn các em chồng thì xì xầm rằng chị dâu tính toán, “chặt tay” với nhà chồng.
Người thân trong gia đình quan sát, cảm nhận trọng lượng túi tiền của nhau để tế nhị ứng xử, chứ không phải để “chỉ đạo” hành động của người khác và quên bổn phận của mình. Biết là mẹ chồng và các em chưa thể hiểu ra ngay nhưng anh chị vẫn tự sắp xếp theo mọi việc của mình và không “gửi” mẹ nữa.