Mẹ chồng tôi không ưa tôi từ khi chúng tôi còn yêu nhau. Bà bảo một đứa con gái không có mẹ dạy bảo như tôi (mẹ bỏ bố con tôi đi lấy chồng khác từ khi tôi 4 tuổi) thì không thể là người phụ nữ tử tế, tốt đẹp được. Từ khi tôi về làm dâu tôi bị bà xét nét, săm soi từ cái nhỏ nhất. Bực hơn cả là bà luôn suy diễn, tìm cách đặt điều, nói xấu để chồng ghét tôi. Ví dụ tôi buột miệng kêu không tìm thấy tiền, bà bảo tôi nghi bà ăn cắp, rồi làm toáng chuyện này lên.
Nấu ăn bà bỏ mắm tôm vô canh rau muống, tôi ăn không quen, bị nôn, bà bảo tôi láo, khinh bà. Tôi uất, lại thêm hận bà cứa vào nỗi đau không mẹ của tôi, tôi mặc kệ, không thanh minh. Nhưng lẽ ra chồng tôi phải tin tôi thì lại quay qua trách tôi cố tình đấu với mẹ, rằng tôi hỗn hào, không được dạy bảo chu đáo đúng như bà nói khiến tôi rất giận và tổn thương. Cứ tình hình này thì tôi không sống nổi, vợ chồng bỏ nhau mất. Tôi nên làm gì đây?
Vũ Thị Hiếu (Hà Nam)
|
Ảnh minh họa. |
Bạn Hiếu thân mến, để xóa đi một định kiến, ác cảm thì cần chứng minh điều ngược lại. Tri Giao rất thông cảm với tâm trạng của bạn khi nghe mẹ chồng bạn ám chỉ việc bạn thiếu được "dạy dỗ" chu đáo vì mẹ bạn bỏ đi từ nhỏ, tuy nhiên giờ bạn và mẹ chồng đã là người một nhà, bà đã sẵn ác cảm với bạn, bạn lại không có ý định cải thiện, ngược lại còn hận bà, thì mối quan hệ này tất yếu sẽ căng thẳng.
Và bạn sẽ không thể ép chồng nghĩ tốt về bạn khi bạn không hề có chút nỗ lực, thiện ý nào. Qua những câu chuyện bạn kể Tri Giao thấy bạn cần một chút khéo léo trong cách ứng xử. Ví dụ nhà đông người tránh kêu mất đồ vu vơ, thức ăn không hợp cũng không nên thể hiện lộ liễu như nôn, ọe trước mặt cả nhà...
Bạn hãy thử thể hiện thái độ cầu thị, thân thiện thay cho mặc kệ, chống đối, tìm những cơ hội để gần gũi với mẹ chồng. Chồng bạn đã bất chấp phản đối ý kiến của mẹ để cưới bạn, vậy bạn hãy làm sao để anh ấy thấy tự hào rằng anh ấy đã đúng, chứ không phải định kiến của mẹ anh ấy. Chúc bạn hạnh phúc!