Theo lời TS.BS Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sản phụ 30 tuổi, ở TP.HCM vừa bị buộc chấm dứt thai kỳ ở tuần thứ 37.
Nói về nguyên nhân, bác sỹ Thăng cho biết, chế độ ăn khi mang thai của thai phụ này có rất nhiều đường. Dù đã được bác sĩ cảnh báo, thai phụ vẫn ăn nhiều bánh kẹo, chocolate, trà sữa khiến cô bị tiểu đường thai kỳ. Sự chủ quan của người mẹ đã dẫn đến hậu quả thương tâm cho em bé và buộc các bác sĩ phải chỉ định chủ động chấm dứt thai kỳ.
|
Mẹ bầu 'nghiện' bánh ngọt, trà sữa khiến con gặp nguy hiểm. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, tiểu đường thai kỳ sẽ khiến thai phụ đối mặt với những nguy cơ như: đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê…
Về phía thai nhi, tiểu đường thai kỳ sẽ làm gia tăng tỉ lệ dị tật thai, thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng. Thậm chí, thai nhi có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có bất kì dấu hiệu báo trước nào. Trường hợp đứa trẻ được chào đời, dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da… đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành.
Mời độc giả xem video "4 nguyên tắc bà bầu cần nhớ để thai kỳ khỏe mạnh". Nguồn Zing News:
TS BS. Trần Nhật Thăng khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai đều nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT) để tầm soát và kịp thời phát hiện, điều trị tiểu đường thai kỳ. Đồng thời, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi… và hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo để hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.