Theo quan niệm dân gian, Thần Tài là vị thần trên trời, chuyên cai quản Tài - Phúc - Phú - Quý, mang lại tài lộc, sung túc và may mắn.
Thần Tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, gia chủ thường cầu khấn Thần Tài. Cúng Thần Tài rất phổ biến trong giới kinh doanh, họ cúng Thần Tài quanh năm. Tuy nhiên ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng được dân gian xem là ngày vía Thần Tài.
Ngày thường cúng hoa quả, đồ chay còn ngày vía này người ta cúng mặn với cỗ tam sên gồm 1 miếng thịt, 1 con tôm, 1 quả trứng luộc.
Ngoài chuẩn bị mâm cỗ cúng Thần Tài, dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài, cúng xong mang trên người sẽ được may mắn quanh năm.
Chuẩn bị đồ cúng Thần Tài
Trước khi cúng Thần Tài, bạn nên lau dọn bàn thờ Thần Tài cẩn thận. Cần tẩy trần bằng nước lá bưởi hay dùng một cái thau sạch sẽ chỉ chuyên dùng tắm rửa, tẩy uế... đổ nước sạch và pha một tí rượu trắng để tắm rửa cho cả Thần Tài và Ông Địa. Tiếp đó, lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng bàn thờ của hai ông.
|
Theo dân gian, Thần Tài rất thích món heo quay và chuối chín vàng. Ảnh: Internet. |
Trong ngày vía Thần Tài, chúng ta nên cúng mặn. Đồ cúng thường là các món ăn ngon như lợn quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày… Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món lợn quay và chuối chín vàng. Tùy điều kiện mỗi gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng thần tài khác nhau, nhưng nhất định phải có hai món này.
Riêng hoa cúng Thần Tài, không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng nên mua quả tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.
Gợi ý mâm cỗ đơn giản để cúng Thần Tài:
Lợn quay: 300g
Trứng: 3 quả
Tôm: 100g
Hoa cúc, rượu, vàng giấy...
Tôm luộc, trứng luộc
Ngoài ra, cúng Thần tài còn có khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu.