Trong những năm gần đây, nhận thức về sức khỏe của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Nhiều người lựa chọn việc đi khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân, đồng thời có thể phát hiện sớm một số bệnh tiềm ẩn trong cơ thể để có thể được điều trị kịp thời, tránh bệnh nhẹ phát triển thành bệnh nặng.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình khám sức khỏe mà phát hiện những bệnh sau đây thì có thể không cần vội vàng chữa trị, chỉ cần chú ý điều hòa sinh hoạt và thường xuyên kiểm tra lại, cùng tham khảo nhé!
1. Gan nhiễm mỡ nhẹ
Nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán bị gan nhiễm mỡ sẽ nghĩ ngay đến bệnh xơ gan, ung thư gan và các bệnh lý khác nên cảm thấy rất lo sợ và không biết phải giải quyết như thế nào.
Trên thực tế, gan nhiễm mỡ có thể chia thành mức độ nhẹ, trung bình và nặng, nếu là gan nhiễm mỡ nhẹ thì nhìn chung không cần điều trị bằng thuốc mà người bệnh có thể thực hiện điều hòa hàng ngày tùy theo tình trạng bệnh.
Ví dụ như bạn mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rượu thì nên cai rượu kịp thời, nếu mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thì bạn nên chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện tích cực, điều chỉnh lối sống thì sẽ không bị nhiễm mỡ nữa, gan có thể được cải thiện.
Tuy nhiên, nếu gan nhiễm mỡ đã phát triển ở mức độ trung bình hoặc nặng và làm tổn thương chức năng gan thì cần phải điều trị tích cực.
|
Ảnh minh họa. |
2. Tăng sản vú
Cần hiểu rằng khoảng 80% phụ nữ bị tăng sản vú ở các mức độ khác nhau, đây là một bệnh rất phổ biến.
Tăng sản vú liên quan đến sự thay đổi nồng độ estrogen trong cơ thể, hầu hết các loại tăng sản vú này không cần điều trị, thông thường bạn nên giữ một thái độ tốt và chú ý ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, nếu là tăng sản không điển hình thì có khả năng bị ung thư, cần điều trị kịp thời.
3. Các nốt tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở cổ, có nhiệm vụ tiết ra hormone tuyến giáp, tham gia vào quá trình trao đổi chất, sinh trưởng và phát triển của cơ thể con người. Trong những năm gần đây, với sự tiến bộ của kỹ thuật y học, tỷ lệ phát hiện nhân giáp ngày càng cao, hầu hết các nhân giáp là lành tính và không gây ra các triệu chứng rõ ràng, những nhân như vậy không cần điều trị đặc biệt.
Tuy nhiên, nếu là nhân giáp lớn chèn ép các mô xung quanh thì có thể điều trị bằng phẫu thuật. Nếu nghi ngờ nốt là ác tính bằng siêu âm, cần xác định bản chất của nốt bằng sinh thiết kim, sau đó mới xác định phương án điều trị tiếp theo.
|
Ảnh minh họa. |
4. Tăng sản xương
Tăng sản xương là bệnh thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, khoảng 80% người già trên 65 tuổi có thể bị tăng sản xương.
Tăng sản xương thực chất là hiện tượng sinh lý bình thường, có liên quan đến các yếu tố như tuổi tác, béo phì, nếu tăng sản xương không gây triệu chứng rõ ràng thì không cần điều trị đặc biệt mà cần tích cực giảm cân để chống mòn khớp. Nếu tăng sản xương gây đau dai dẳng, lúc này mới nên được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, v.v.
5. U xơ tử cung
Khi khám sức khỏe, nhiều phụ nữ được chẩn đoán u xơ tử cung, đây là u lành tính, nếu không có nhu cầu sinh sản và đường kính của u xơ không quá 3cm, không có triệu chứng rõ ràng, không cần điều trị đặc biệt.
Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện để tái khám định kỳ, một khi khối u xơ vượt quá 5cm và kèm theo đau bụng, thắt lưng, đi tiểu nhiều lần, kinh nguyệt bất thường và các triệu chứng khác thì cần được điều trị kịp thời. Đối với phụ nữ hiếm muộn, nếu khối u xơ vượt quá 3cm, trước hết nên cân nhắc điều trị, xin tư vấn kỹ.
Tựu chung lại, nếu phát hiện các bệnh trên trong quá trình khám sức khỏe thì không cần phải vội vàng điều trị, nhất là khi bệnh còn tương đối nhẹ, chỉ cần bạn chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày và điều hòa thói quen sinh hoạt, bệnh có thể được cải thiện. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện tái khám định kỳ, theo dõi diễn biến của bệnh, khi tình trạng nặng hơn cần xử lý kịp thời.