Trung là nông dân rặt con nhà nòi. Ngoài công việc đồng áng anh không biết làm việc gì khác. Do cảnh nhà nghèo khó, anh quyết định theo bạn bè lên Sài Gòn làm thợ hồ. Vợ anh ở nhà một nách hai con nhỏ, đứa đi nhà trẻ đứa còn ẵm ngửa, rất vất vả. Nhưng Trung động viên vợ cố gắng để anh đi làm kiếm tiền gửi về trang trải và chữa bệnh tim bẩm sinh cho con gái nhỏ.
Mấy năm đi xa, Trung còn gửi tiền về quê cho vợ xây nhà. Anh bảo, đang hùn với người bạn "chạy cung cấp vật tư xây dựng cho mấy công trình lớn lắm".
Từ lúc xây nhà xong, Trung ít về thăm hơn trước. Vợ hỏi, anh nói bận. Lâu lâu Trung về, thấy anh ăn mặc rất sang trọng, mang giày tây bóng lộn, đeo nhiều vàng vòng, mấy chị ở xóm cảnh cáo vợ Trung coi chừng mất chồng. Vợ anh sợ nên "làm dữ", buộc anh phải về. Chưa đâu ra đâu. Đùng một cái con gái nhỏ bệnh tim trở nặng, phải mổ. Toàn bộ chi phí trông cậy vào tiền Trung gửi về.
|
Có nhiều lý do khác nhau để các cặp vợ chồng quyết định giả ly hôn. |
Nhân cơ hội này Trung thú nhận anh có ăn ở với một phụ nữ, là người chủ cung cấp vật tư cho công trình anh theo làm việc, là một người phụ nữ lỡ thì lớn hơn anh gần chục tuổi. Anh không đi làm hồ nữa mà dọn về chung sống với chị ta, phụ trông coi việc buôn bán. Tất cả tiền bạc anh gửi về là do chị ta chu cấp để đổi lấy việc anh ở với chị ấy.
Trung còn cho biết, tiền mổ tim cho con gái là hoàn toàn do chị ta đưa nhưng đã bắt anh ký giấy nợ vay với lãi suất 20% một tháng. Chị ta dựa vào việc này ép Trung ly dị vợ để cưới mình. Để đối phó, Trung yêu cầu vợ tạm thời đồng ý ly dị giả rồi anh sẽ tính sau. Vợ Trung dại dột nghe theo. Thế là mất chồng.
Trong thực tế, có nhiều lý do khác nhau để các cặp vợ chồng quyết định giả ly hôn. Theo Luật sư Võ Thị Kim Nga, đoàn Luật sư TP.HCM, ly hôn giả có thể vì mục đích tẩu tán tài sản, xuất ngoại, xuất khẩu lao động, thậm chí có cả trường hợp để được sinh con thứ ba… Nhưng đại trà nhất là giả ly hôn để sang nước ngoài định cư. Cũng vì muốn đổi đời, vợ chồng chị Ngọc - ở Phú Nhuận - ly hôn giả để xuất cảnh. Sau khi kết hôn giả và được người vợ Việt kiều bảo lãnh sang nước ngoài định cư, chồng chị Ngọc hứa chắc như đinh đóng cột rằng sẽ về đón mẹ con chị qua Mỹ”. Nhưng tới được xứ người với số tiền chị Ngọc gom góp đưa cho, chồng chị bặt tin. Vỡ lẽ ra, anh đã sống cùng với một cô gái khác bên kia bờ đại dương. Mong ước duy nhất của chị Ngọc bây giờ là anh nghĩ lại, thương con mà quay về.
Tương tự, anh Lâm, - ngụ ở Hóc Môn - cũng là “nạn nhân tự nguyện” của một vụ ly hôn giả. Theo lời kể của anh, vì muốn qua Mỹ định cư, vợ anh đã bàn với anh giả ly hôn. Chị được một người bạn giúp đi bằng con đường kết hôn giả với Việt kiều Mỹ, sau đó sẽ bảo lãnh chồng, con gái sang. Tin tưởng vợ, anh Lâm đồng ý ký đơn, chị vợ nhanh chóng kết hôn với tay Việt kiều kia. Trong thời gian chờ xuất cảnh, anh Lâm bắt quả tang vợ anh và “chồng giả” quan hệ tình dục với nhau. Anh Lâm phản ứng thì lập tức vợ anh đáp trả rằng đã ly hôn thì lấy quyền gì mà ghen tuông.
Theo thạc sĩ tâm lý Diệu An, không chỉ luật pháp nghiêm cấm mà đạo đức xã hội cũng lên án việc vợ chồng ly hôn giả: “Hôn nhân là chuyện trăm năm của đời người, nên hơn ai hết chính những người trong cuộc phải thận trọng khi quyết định số phận pháp lý của nó. Nếu để hôn nhân xảy ra hậu quả nghiêm trọng rồi mới yêu cầu cơ quan pháp luật bảo vệ, khi đó những hệ luỵ của nó tác động đến vợ chồng và con cái là rất khó khắc phục. Khó đoán được kết cục ở trước mắt khi kết hôn giả thành thật, tình cảm thật thành trò đùa”.