Biểu hiện của... oan trái
TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, hạnh phúc đích thực không phải ở tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, quyền lực mà chính là sự bình an trong tâm hồn. Ở đời, ai cũng mong một cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, cuộc sống lại luôn biến động. Con người lại thường phải gặp những điều bất như ý, bất toại nguyện. Đối với một số chị em, điều khiến cuộc sống của họ mất đi sự bình yên nhất đó là phải chung sống với một ông chồng nóng tính. Việc phải chung sống với một người dễ nóng giận quả thực là điều không hề đơn giản chút nào. Chung sống với một người bạn đời dễ nóng giận cũng giống như sống chung với một ngọn núi lửa đang hoạt động. Những ngọn lửa nóng giận có thể tuôn trào vào bất cứ lúc nào mà không hề báo trước. Vì thế không phải ai cũng đủ sự vững tâm để có thể giữ được mình không bị ngọn lửa giận của chồng “thiêu rụi”.
|
Hãy hiểu rõ nguyên nhân để ngọn lửa giận của chồng không “thiêu rụi” chính mình. Ảnh minh họa |
Thông thường, khi đối mặt với sự nóng giận vô lý của chồng, ví dụ như chồng nổi nóng vì chiếc xe máy bỗng dưng xịt lốp, chiếc ti vi bỗng dưng không lên hình hay con nhỏ đang chơi đùa vui vẻ bỗng dưng ngã chảy máu... thường các bà vợ cảm thấy vô cùng tức giận, hoặc phiền muộn hoặc đau khổ hoặc bất an... Nhà Phật cho rằng, tất cả những tâm trạng như tức giận, phiền muộn, đau khổ hay bất an trên đều thuộc về tâm sân. Sự nóng giận của chồng cũng thuộc về tâm sân. Như vậy, những biểu hiện như tức giận, phiền muộn, bứt rứt, đau khổ, bất an... trên là một dạng “lây nhiễm” sự sân hận của chồng. Mà trong quan niệm nhà Phật, một người hay nóng giận là sự báo trước để đi đến cõi Atula, một trong những cõi thấp hơn cõi người trong cõi dục giới. Khi phải sống với một người chồng hay người vợ không nói với mình những lời yêu thương mà chỉ nói những lời khó nghe; một người chồng mà chỉ thích làm điều tốt lành cho người ngoài còn về nhà chỉ làm khổ vợ khổ con... thì đó là biểu hiện của những điều oan trái từ quá khứ. Và sự oan trái này sẽ kéo dài mãi không bao giờ dứt nếu sân hận được nối tiếp bằng sân hận.
Trong bài giảng “Oan trái”, sư cô thích nữ Tâm Tâm, giảng viên Phật học giảng về Vi diệu Pháp cho rằng: Khi đứng trước những điều người khác gây ra cho mình như việc chồng mắng chửi vợ vô lý chẳng hạn, nếu mình cũng trả đũa, cũng mắng chửi lại là một cách gieo oan trái. Nhưng kể cả khi không trả đũa, chỉ im lặng nhẫn nhịn nhưng vẫn bị buồn phiền, đau khổ thì đó cũng là gieo oan trái với nhau mãi không dứt từ đời này sang đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Thậm chí, trong nhiều trường hợp đã ly hôn nhưng vẫn hận, vẫn buồn mỗi khi nghĩ đến thì vẫn là sự nối kết sợi dây oan trái đó. Sư cô cho rằng, để kết thúc được những oan trái như vậy thì chỉ có tình thương mới có thể làm được. Như trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có nói: Lấy oán báo oán, oán không dứt được /Lấy đức báo oán, oán thù tiêu tan.
Tức giận là... tiếng khóc của đứa bé
Nhưng trên thực tế để “thương” được một người cứ chửi mắng mình hoài là vô cùng khó. Để làm được điều đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng, người vợ cần phải hiểu chồng mới có thể “thương” được.
Các chuyên gia cho rằng, có 5 điều sau đây có thể lý giải được những cơn giận của chồng:
1. Sự giận giữ là bắt nguồn từ sự thiếu quyền lực, không có khả năng kiểm soát tình hình. Do vậy lời khuyên chân thành đầu tiên đến với chị em khi đứng trước một người chồng hay nổi giận là hãy... đừng sợ. Chị em hãy nhìn vào nó như tiếng khóc của một đứa bé thay vì tiếng gầm của một con sư tử.
2. Khi bạn thấy cơn giận của chồng bạn bắt đầu được châm ngòi, hãy thử nghĩ xem bạn có phải là nguyên nhân gây ra nó không. Hãy thành thật với chính mình. Nếu bạn là nguyên nhân gây ra cơn giận của chồng thì bạn nên chủ động tiếp cận và làm lành. Còn nếu bạn không phải là nguyên nhân chính thì hãy chỉ ra cho chồng bạn là anh ấy đã hiểu nhầm bạn, nhưng không phải ngay lúc đó.
3. Trong rất nhiều trường hợp, những cơn tức giận của các ông chồng chỉ là một thói quen, được “châm ngòi” bởi những lý do nhỏ nhặt nhất. Trong trường hợp này thì bạn chẳng có lỗi gì, mặc cho chồng bạn có cố “tẩy não” bạn đi nào đi chăng nữa. Anh ấy phải chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của mình, bạn không phải là người để anh ấy đổ lỗi cho những gì anh ấy nói và làm.
4. Hãy từ bỏ hy vọng rằng bạn có thể kiểm soát cơn giận của chồng bạn. Đơn giản là bạn không thể. Người duy nhất có khả năng đó là chồng bạn. Tất cả những gì bạn có thể làm là kiểm soát phản ứng của bạn. Nói một cách khác, chồng bạn có thể là người “thét ra lửa” nhưng bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bị “đốt cháy”.
5. Bạn phải hiểu rằng, không giống như những gì sách vở cố gắng mô tả, sự tức giận là một điểm yếu. Những người đàn ông mạnh mẽ và tự tin thì ít khi “xù lông”, chỉ có những người đàn ông yếu đuối và kém tự tin mới làm thế.