Sự xuất hiện của các thực phẩm bị thu hồi ở thị trường châu Âu gần đây dấy lên nhiều câu hỏi đâu là ngưỡng an toàn cho các chất này. Trên thực tế, mỗi quốc gia, khu vực lại có những quy định khác nhau, không thống nhất.
Một trong những chất phổ biến và gây tranh cãi chính là Ethylene oxide (C₂H₄O) và magnesium sulfate heptahydrate (MgSO4.7H2O).
C₂H₄O là chất gây ung thư
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, ở nhiệt độ thường, ethylene oxide (EtO) là chất khí không màu, dễ cháy, có mùi ngọt. Đây là chất thường được sử dụng chủ yếu để sản xuất các hóa chất khác, gồm cả chất chống đông, chất dẻo, chất tẩy rửa, kết dính.
Với một lượng nhỏ, ethylene oxide được sử dụng làm thuốc trừ sâu và chất khử trùng các thiết bị không thể tiệt trùng bằng hơi nước hoặc bức xạ như thiết bị y tế, nha khoa. Với khả năng phá hủy DNA, ethylene oxide trở thành chất khử trùng hiệu quả nhưng cũng là nguyên nhân gây ung thư.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, khoảng 50% thiết bị y tế vô trùng được xử lý bằng EtO, tương đương 20 tỷ thiết bị mỗi năm. Ngoài ra, EtO cũng được sử dụng để khử trùng một số sản phẩm thực phẩm như gia vị, một số loại thảo mộc khô, rau khô, hạt vừng và quả óc chó.
Tại Mỹ, theo Sổ tay ảnh hưởng sức khỏe đối với các chất ô nhiễm không khí nguy hiểm do Cơ quan Bảo vệ Môi trường biên soạn cho biết con đường tiếp xúc chính của con người với Ethylene oxide là hít và nuốt phải. Nó có thể xảy ra khi tiếp xúc nghề nghiệp, người tiêu dùng ăn phải thực phẩm chứa chất này hoặc môi trường có nồng độ cao C₂H₄O.
Ethylene oxide cũng rất dễ nổ và dễ phản ứng. Do đó, thiết bị được sử dụng để điều chế nó thường gồm các hệ thống khép kín và tự động hóa cao, giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp.
Con đường chính khiến con người tiếp xúc với EtO là hít thở không khí. Ngoài ra, chúng ta cũng bị phơi nhiễm trong nhiều trường hợp. Người lao động có thể tiếp xúc với EtO nếu họ làm việc ở những nơi sản xuất hoặc sử dụng EtO như nhà máy hóa chất và thiết bị khử trùng thương mại hoặc bệnh viện.
Những người sống gần các cơ sở thải EtO ra không khí ngoài trời có thể tiếp xúc với chất này, tùy thuộc vào lượng khí được thải ra ngoài và họ sống gần cơ sở đó tới mức nào. Chúng ta cũng có thể tiếp xúc với EtO từ khói thuốc lá.
|
Mì gói do Việt Nam và nhiều nước xuất khẩu từng bị thu hồi ở không ít quốc gia EU vì hàm lượng C₂H₄O vượt ngưỡng cho phép. Ảnh: GBA Group.
|
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, EtO được liệt kê vào nhóm chất gây ung thư ở người.
Bằng chứng khoa học cho thấy tiếp xúc với EtO nhiều năm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư bạch cầu, ung thư hạch không Hodgkin, u tủy và bệnh bạch cầu u lympho. Các nghiên cứu cũng chỉ ra tiếp xúc lâu dài với EtO làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.
Trẻ em nhạy cảm với EtO hơn người lớn. Hóa chất có thể làm hỏng DNA, khiến trẻ em dễ tổn thương hơn vì tế bào trong giai đoạn DNA phân chia nhanh hơn. Nguy cơ ung thư sẽ theo họ suốt đời qua thời gian tiếp xúc với EtO. Rủi ro sẽ giảm khi giảm phơi nhiễm.
EtO cũng được biết đến là hóa chất gây kích ứng và gây đột biến cao, làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật di truyền và ung thư ở người, đồng thời ảnh hưởng đến chu kỳ sinh sản của động vật.
EU xếp nó vào nhóm hóa chất có thể gây ung thư và đột biến cao, đã bị cấm ở Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1981. Từ năm 1991, loại chất này bị cấm ở EU như một loại thuốc trừ sâu. Từ năm 2011, nó bị cấm sử dụng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Theo Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BFR), ethylene oxide có đặc tính gây đột biến và gây ung thư. Đây là "chất gây ung thư không có giá trị ngưỡng", bởi không thể xác định ăn vào ở mức độ bao nhiêu sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe.
MgSO4.7H2O có gây hại không?
Theo Tiêu chuẩn Codex của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Mỹ (FAO), MgSO4.7H2O là chất phụ gia có trong 16 nhóm thực phẩm. Đây là chất tăng hương vị. Danh sách mà FAO đưa ra khá đa dạng, từ gia vị đến thực phẩm ăn kiêng, rượu vang, đồ uống có cồn... Chất này cũng được dùng trong sữa bơ đã qua xử lý nhiệt và gia vị thực phẩm.
MgSO4.7H2O được chấp nhận trong thực phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn hàng hóa: CS 319-2015 (chỉ xoài đóng hộp).
Với những thông tin này, có thể nói, MgSO4.7H2O là chất được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm với vai trò phụ gia, với mã số INS (hệ thống đánh số quốc tế chất phụ gia) là 518.
Đặc biệt, khuyến cáo về nguy hiểm tiềm ẩn của chất này là có thể gây ngứa ở mắt, ngoài da và đường hô hấp. Theo Fisher Scientific, các tính chất độc học của vật liệu này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn gồm có mắt, da (có thể gây kích ứng), có thể gây hại nếu được hấp thụ qua da. Nếu nuốt phải, chất này có thể gây kích thích đường tiêu hóa với triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Khi hít phải có thể gây kích ứng đường hô hấp. Hiện tại không có thông tin về ảnh hưởng mạn tính của chất này.
Trái với EtO, MgSO4.7H2O không được NTP, IARC hoặc OSHA liệt kê là chất gây ung thư.
|
MgSO4.7H2O là chất phụ gia được xếp vào nhóm an toàn nhưng cũng đã vướng vào một số vụ thu hồi sản phẩm. Ảnh: Medical News Today.
|
Dẫu vậy, ngày 2/10/2020, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn thực phẩm (CHLB Đức) thu hồi hàng loạt sản phẩm đậu phụ từ nhà sản xuất Hankuk. Theo cơ quan này, đậu phụ đóng gói sẵn, được đựng trong xô, có thể chứa các chất phụ gia thực phẩm không phù hợp với quy định tương ứng của Nghị viện châu Âu, gồm magnesium sulfate, muối Epsom và axit boric.
Hiệp hội Người tiêu dùng Penang (CAP) của Malaysia từng bày tỏ sự lo lắng khi chất cấm axit boric vẫn được tìm thấy trong nhiều thực phẩm, bất chấp lời kêu gọi của họ trong suốt 25 năm.
Chất này được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như bánh bao Trung Quốc, mì sợi vàng... Năm 2008, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm chất này trong thực phẩm.
Nguyên nhân là axit boric độc hại đến mức ngay cả khi tiêu thụ một lượng nhỏ có thể dẫn đến ngộ độc, bệnh đường tiêu hóa, tổn thương thận và chán ăn. Việc sử dụng axit boric trong thực phẩm bị cấm theo Quy định Thực phẩm năm 1985.
Axit boric xuất hiện trong danh sách này có thể dễ hiểu vì đây vốn là chất cấm. Song ngay cả magnesium sulfate cũng có mặt khiến người tiêu dùng hoang mang.
Không có quy định thống nhất
Ngày 9/9, Bỉ thông báo qua hệ thống cảnh báo nhanh của châu Âu RASFF về việc hạt vừng từ Ấn Độ bị nhiễm ethylene oxide. Đây là chất được sử dụng để chống nấm và vi khuẩn ở một số quốc gia ngoài EU, nhưng nó bị cấm trong sản xuất thực phẩm của châu Âu. Dư lượng trong hạt vừng đã vi phạm luật thực phẩm của châu Âu.
Dẫu vậy, không có mức quy định phơi nhiễm an toàn trong thực phẩm cho chất này. Quy định giữa các khu vực cũng khác nhau khiến ngày càng nhiều sự vụ tương tự xảy ra.
Chỉ ít ngày sau đó, gần 7.000 lô hạt mè xuất từ Ấn Độ đã bị thu hồi tại Pháp. Quốc gia này thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để thu hồi các sản phẩm vi phạm. Các mặt hàng từ hạt mè đến kem, hạt tiêu, gừng, hẹ tây, cà phê, bánh mì, bánh quy và đồ ăn sẵn. Song, các quốc gia khác trong EU không thực hiện như vậy và một số báo cáo còn tiết lộ thậm chí nhiều nước không thu hồi bất kỳ sản phẩm bị nhiễm độc nào, theo Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu.
Vấn nạn hiện nay là nhiều hóa chất, phụ gia khác trong tình trạng không thống nhất về quy định cấm sử dụng. Điều này khiến những vụ thu hồi tại các nước như những lô mì gói vừa qua và gây lo ngại cho người tiêu dùng.