Lưu ý khi tự xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà bạn nên biết

Google News

Dược sĩ Trần Phạm Trúc Mai (Nhà thuốc Pharmacity) chia sẻ những điều cần lưu ý khi người dân thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 tại nhà.

Ai nên tiến hành test nhanh COVID-19 tại nhà?

Theo DS. Trần Phạm Trúc Mai, bất cứ ai đang xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm bệnh như: ho, sốt, mất vị giác, khứu giác,…hoặc lo lắng bản thân mắc bệnh, đều  có thể tự thực hiện xét nghiệm tại nhà, bất kể trạng thái tiêm chủng của họ là gì.

Những người chưa tiêm chủng và không có các triệu chứng bệnh COVID-19, tuy nhiên có lịch sử dịch tễ đã từng tiếp xúc gần với các ca nghi nhiễm hoặc bệnh nhân f0, nếu nghi ngờ khả năng cao bản thân đang trong giai đoạn phơi nhiễm thì đặc biệt lưu ý và cân nhắc thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà.

Ngoài ra, những người thường xuyên phải đi ra khỏi nhà để làm việc và tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày cũng là nhóm được gợi ý nên thực hiện xét nghiệm nhanh theo định kỳ để thường xuyên, nhằm kiểm tra và đảm bảo cho tình trạng sức khỏe của bản thân.

Luu y khi tu xet nghiem nhanh COVID-19 tai nha ban nen biet

Các bộ phận trong một bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên

Đọc kỹ hướng dẫn, lưu ý sát khuẩn

DS. Trần Phạm Trúc Mai tư vấn, trước khi tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà, người thực hiện cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, nếu cần hãy tham khảo thêm hướng dẫn cụ thể từ dược sĩ hoặc người có nghiệp vụ chuyên môn. Từ đó, đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các hướng dẫn của nhà sản xuất để có được kết quả xét nghiệm sàng lọc đạt độ chính xác cao. Việc chuẩn bị một tâm thế thoải mái và giữ bình tĩnh cho bản thân hoặc cho người được xét nghiệm cũng không kém phần quan trọng khi thực hiện xét nghiệm này.

Trước khi bắt đầu, cần đảm bảo tay và khay đựng dụng cụ đã được sát khuẩn sạch sẽ. Người được xét nghiệm ngồi thẳng lưng, ngửa đầu, thả lỏng cơ thể và bắt đầu tiến hành lấy mẫu theo hướng dẫn.

Khi sử dụng que lấy mẫu hầu họng, chú ý mở túi và cầm phần đầu que, không chạm tay vào phần đầu tăm bông. Đưa tăm bông vào một bên mũi cho đến khi chạm vào thành mũi thì dừng lại và xoay tròn khoảng 5 lần trong vài giây rồi từ từ rút que lấy mẫu ra. (Khi thực hiện xét nghiệm này cho trẻ em/ người lớn tuổi cần lưu ý chậm rãi và kiểm soát lực khi đưa tăm bông vào mũi nhằm tránh làm mạnh tay, gây ảnh hưởng đến niêm mạc mũi).

Ngay sau đó, nhúng đầu tăm bông vào ống nghiệm đựng dung dịch đã được mở nắp và xoay đầu tăm bông 10 lần để có thể tách chiết được đủ mẫu cho xét nghiệm. Lưu ý, khi lấy tăm bông ra khỏi ống nghiệm, cần lấy tay bóp vào thành ống nghiệm (nơi có tăm bông) để lấy hết dung dịch từ tăm bông.

“Lúc này chúng ta cần gắn nắp lọc vào ống nghiệm và nhỏ 3 giọt dịch chiết mẫu vào khay xét nghiệm đã được mở sẵn và chờ đọc kết quả sau 15 phút (Nhưng không được quá 20 phút). Màu sắc của các vạch trên khay thử sẽ dần thay đổi, tuy nhiên kết quả sau khoảng thời gian chỉ định trong hướng dẫn mới là kết quả ghi nhận cuối cùng”, DS. Trần Phạm Trúc Mai nhấn mạnh.  

DS. Trần Phạm Trúc Mai cũng lưu ý, trong trường hợp khi lấy mẫu cho người thân, người lấy mẫu cần mang khẩu trang trong suốt quá trình và người được lấy cũng cần mang khẩu trang chỉ để lộ phần mũi khi bắt đầu được lấy mẫu. Người lấy mẫu cần sát khuẩn tay trước khi lấy mẫu, sau khi hoàn tất việc lấy mẫu và cần xử lý bộ xét nghiệm như rác thải y tế, cần được phân loại và được bỏ tất cả vào một túi kín riêng khi xử lý. Đặc biệt không tái sử dụng thiết bị xét nghiệm hay bất cứ các thành phần nào khác của bộ xét nghiệm.  

Luu y khi tu xet nghiem nhanh COVID-19 tai nha ban nen biet-Hinh-2

 Đưa tăm bông vào ống nghiệm để tách chiết dung dịch lấy mẫu

Xử lý đối với các tình huống khác nhau sau khi test nhanh

Theo DS. Trần Phạm Trúc Mai, đối với xét nghiệm cho kết quả âm tính vẫn không nên chủ quan mà vẫn duy trì và tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K do Bộ Y tế hướng dẫn. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, nếu thuộc nhóm nguy cơ cao có thể thực hiện thêm xét nghiệm lại lần 2 sau 3-5 ngày và lần 3 là sau 7-10 ngày tính từ lần 1.

Trong trường hợp kết quả dương tính, cần ngay lập tức liên hệ và giữ liên lạc thường xuyên với đơn vị y tế địa phương nơi gần nhất để có hướng dẫn cụ thể về việc xét nghiệm khẳng định. Đồng thời thực hiện ngay việc tự cách ly và điều trị, cần phải thông báo cho tất cả những người có lịch sử tiếp xúc gần được biết thông tin.

Nếu như khay xét nghiệm không hiện lên vạch nào hoặc kết quả mờ/ không rõ, để đảm bảo chúng ta có thể sử dụng bộ test mới để có được kết quả chính xác hơn.

Tại Pharmacity, khi mua sỉ/ lẻ các bộ xét nghiệm nhanh tại nhà thuốc, khách hàng đều được hướng dẫn kỹ về quy cách sử dụng bộ xét nghiệm cũng như được tư vấn cách xử lý sản phẩm sau sử dụng. Bên cạnh đó, các dược sĩ Pharmacity còn cung cấp thêm số điện thoại các đường dây nóng hỗ trợ y tế tại mỗi địa phương đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, giữ an toàn bản thân trong mùa dịch.

Luu y khi tu xet nghiem nhanh COVID-19 tai nha ban nen biet-Hinh-3

 Kết quả sẽ hiển thị trên khay thử: 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính

Tháng 7/2021 Bộ Y tế công bố, cập nhật danh sách 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, trong đó có 15 loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ,... Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường.

Hiện nay các chuỗi nhà thuốc lớn như Pharmacity đã có bán sản phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên được cấp phép bởi Bộ Y tế. Các nhà thuốc bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán xét nghiệm COVID-19 (ví dụ các test nhanh) phải đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế.

Theo Ngọc Minh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)