Người ta thường nói: “Không có gì đều được nhưng không thể không có tiền, có cái gì cũng được nhưng tuyệt đối không được có bệnh tật”. Sức khỏe đối với mỗi chúng ta đều vô cùng quan trọng, nếu như sức khỏe không tốt, cho dù có thông minh, tài giỏi đến mấy cũng không có tác dụng gì cả. Các vị vua cổ đại muốn được trường sinh đã từng thử mọi cách, thậm chí còn trọng dụng các đạo sĩ, tu luyện tiên đan diệu dược. Thế nhưng kết quả có được, không những không trường thọ mà còn nhanh chóng đi tới Tây Thiên sớm hơn bình thường.
Một người có trường thọ hay không, hoàn toàn có liên quan mật thiết tới thói quen ăn uống, ngủ nghỉ hàng ngày của họ, cũng chính là “dưỡng sinh” mà người ta thường nói.
Rượu là thứ thuốc độc xuyên dạ dày
Từ mấy nghìn năm trước, người cổ đại đã phát minh ra cách ủ rượu. Ví dụ như trong các ngôi mộ cổ từ thời nhà Thương của Trung Quốc có phát hiện rất nhiều bình rượu quý. Trụ Vương là một tên sâu rượu, để lại điển cố “tửu trì nhục lâm” (Tạm dịch: Suối rượu, rừng thịt). Đỗ Khang được coi là ông tổ nghề ủ rượu, trong “Thuyết văn giải tự” có ghi chép: “Đỗ Khang là người đầu tiên ủ rượu bằng gạo nếp, còn có tên khác là Thiếu Khang, sinh ra trong thời nhà Hạ”. Các văn nhân mặc khách thời cổ đại đều rất thích uống rượu, ví dụ như Thi Tiên Lý Bạch, dường như ly rượu không rời tay bao giờ.
Khi đau lòng, buồn bã, có thể dùng rượu để giải tỏa ưu sầu. Khi tâm tình vui vẻ, có thể dùng rượu để nhân đôi niềm vui. Nhưng tại sao lại nói "rượu là thứ thuốc độc xuyên dạ dày"? Uống một chút rượu thì không sao nhưng đừng uống quá nhiều, vì chất cồn sẽ khiến đầu óc không tỉnh táo, sau khi uống say không thể kiểm soát được hình vi, gây ra những tai nạn hoặc sự việc không mong muốn, hơn nữa còn có hại cho sức khỏe. Thế nên, cho dù bất kỳ trường hợp nào, đều không được uống quá nhiều rượu, nếu không thì sẽ chẳng khác gì uống thuốc độc.
Sắc là con dao cứa thấu xương tủy
Nói một cách khách quan, dục vọng là nhu cầu mỗi người đều có, nếu như có thể xem nhẹ mọi thứ, giống như những vị cao tăng nhìn thấu hồng trần, rũ bỏ dục vọng, vậy thì con người không thể nào tiếp tục đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, nhất định phải kiểm soát được chừng mực, không được quá chìm đắm vào nó. Nhiều ông vua thời cổ đại vì quá chìm đắm trong dục vọng khiến vương triều bị diệt vong, chúng ta đều cần phải rút ra bài học từ họ.
Minh Quang Tông Chu Thường Lạc của Trung Quốc, từ nhỏ đã không được phụ thân Vạn Lịch hoàng đế xem trọng. Sau này, dưới sự hỗ trợ của các đại thần, Chu Thường Lạc được lập làm Thái tử, thế nhưng vẫn luôn lo lắng bất cứ lúc nào cũng có thể bị phế truất. 20 năm sau, Vạn Lịch hoàng đế băng hà, Chu Thường Lạc cuối cùng cũng đã chờ tới ngày được giải thoát, thuận lợi lên ngôi, thế nhưng chưa tới 1 tháng đã băng hà. Sử sách ghi chép: “Vừa mới đăng cơ đã tuyển vô số mỹ nữ hầu hạ, chưa tới 10 ngày, vua đã lâm bệnh”. Nói một cách đơn giản, là do hoang dâm vô độ nên mới có kết quả như vậy.
Tiền tài là mãnh hổ xuống núi
Trong cuộc sống xã hội, tất cả mọi người đều cần có tiền bạc, mua đồ cần tiền, ăn cơm cũng cần tiền. Thế nhưng, chúng ta cần phải ý thức rõ ràng một chút, mục đích của việc kiếm tiền là để có cuộc sống tốt hơn, buộc phải điều chỉnh lại tâm thái, đừng trở thành nô lệ của đồng tiền, làm ra những việc trái với lương tâm và vi phạm pháp luật.
Nếu như quá mê tiền, bị đồng tiền làm mờ mắt, để có được tiền mà không từ thủ đoạn nào, cho dù trong thời gian ngắn chưa bị phát hiện thì sớm muộn gì cũng sẽ không có kết cục tốt đẹp. Khi một người đi lầm đường lạc lối, trở nên tham lam, tiền tài sẽ trở thành mãnh hổ xuống núi, mức độ nguy hiểm chúng khiến bạn khó mà tưởng tượng được. Vì thế, chúng ta khát vọng tiền tài nhưng phải làm những việc chân chính, đúng đắn, nếu không thì sẽ phải chịu quả báo thích đáng.
Tức giận là mầm mống của mọi tai họa
Tức giận là chuyện thường gặp trong cuộc sống, cho dù là người tính khí có tốt đến mấy thì thỉnh thoảng cũng sẽ nổi giận, đó là cảm xúc bình thường của con người. Tuy nhiên, nếu một người thường xuyên tức giận thì sức khỏe cũng không thể tốt được.
Người Trung Quốc có câu: “Bách bệnh đều do tức giận mà ra”. Từ xưa đến nay, những người không có lòng độ lượng thường sống không được lâu, ví dụ như Đại Đô đốc Đông Ngô thời Tam Quốc – Chu Du, bị Gia Cát Lượng làm cho tức chết. Thế nên bất kỳ trường hợp nào, đều phải học cách kiểm soát cảm xúc của mình, đối mặt với nó một cách ôn hòa.