Mới đây, Thủy Tiên chia sẻ cô có dấu hiệu mắc bệnh ghẻ nước ở chân do nhiều ngày lội nước lũ cứu trợ miền Trung.
Thuỷ Tiên bị ghẻ do dầm nước lũ quá lâu, đây cũng là căn bệnh mà người dân vùng nước lũ rất dễ mắc phải vì mức độ nhiễm khuẩn quá cao và phải ngâm tay chân trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển, ngoài ra còn nguyên nhân do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành.
|
Thuỷ Tiên không ngần ngại chia sẻ mình bị ghẻ do dầm nước lũ quá lâu. Ảnh: FB. |
Chia sẻ về căn bệnh phổ biến này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) lưu ý: “Người dân sống nơi vùng lũ cố gắng giữ khô chân, tay, sát khuẩn bằng nước muối loãng và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc bôi vào những chỗ viêm nhiễm ở ngoài da tránh để tình trạng viêm nhiễm nặng hơn”.
“Ghẻ căn nguyên do ký sinh trùng có tên gọi Sarcoptes Scabies xâm nhập da. Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, bộ phận sinh dục, nếp lằn, nách… gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh”, BS Trương Hữu Khanh đưa cảnh báo.
Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh ghẻ có thể tái phát nhiều lần và phát triển nên những biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng, viêm cầu thận cấp.
Cách điều trị ghẻ
Nguyên tắc điều trị bệnh ghẻ cần:
Phát hiện sớm, điều trị sớm (bệnh mới phát, chưa có biến chứng).
Điều trị cùng lúc tất cả những người bị ghẻ trong gia đình, tập thể.
Tránh cào gãi vì có thể gây nhiễm khuẩn.
Cách ly người bệnh
Quần áo, chăn màn, đệm, vỏ gối, đồ dùng...giặt sạch, phơi khô, là kĩ . Không dùng chung quần áo.
|
Ghẻ cũng là căn bệnh mà người dân vùng lũ dễ mắc phải vì mức độ nhiễm khuẩn quá cao, phải ngâm tay chân trong nước nhiều ngày liền. Ảnh: Internet |
Các thuốc được sử dụng để điều trị bệnh ghẻ hiện nay:
- Kem permethrin 5%.
- Lindane 1% (lotion).
- Sulfur 5 - 10% dạng sương.
- Benzyl benzoat 10%.
- Ivermectin 200 µg/kg.
Tại Việt Nam, thuốc được sử dụng chữa ghẻ chủ yếu là kem crotamiton, dung dịch DEP,... Ngoài ra sử dụng kháng sinh corticoid để chống ngứa và giảm những triệu chứng mà cái ghẻ mang lại cho cơ thể.
Các biện pháp để phòng bệnh, ngăn ngừa ghẻ lây lan:
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn là cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Nên rửa sạch tay với xà phòng sẽ giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.
- Không nên tiếp xúc với nguồn nước bị nhiễm bẩn vì có ẩn chứa nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
- Vào thời tiết nắng nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi cộng với các bụi bẩn có từ môi trường sẽ khiến da bị viêm, gây ghẻ lở, chính vì vậy nên mọi người cần tắm rửa thường xuyên để tránh bị bệnh.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nên giặt giũ mùng, mền, chiếu, gối thường xuyên.
- Nên ăn chín, uống sôi hạn chế ăn những loại thực phẩm chưa được nấu chín sẽ gây nguy hại đến sức khỏe, bổ sung nhiều vitamin A, B, C giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Tuyệt đối không nên sử dụng chung các đồ cá nhân như khăn, quần áo bởi vì ghẻ có khả năng lây truyền từ người này qua người khác thông qua các vật dụng này.
- Không nên sử dụng các loại mỹ phẩm, hóa chất độc hại khiến da bị tổn thương từ đó các vi khuẩn có hại từ môi trường có điều kiện xâm nhập vào.