Loại rau chịu tiếng "làm đau xương khớp" hóa ra rất giàu protein

Google News

Mùa thu hoạch chính của rau rút là mùa hè, tuy nhiên, do vướng phải lời đồn nên ít người sử dụng loại rau rất giàu giá trị dinh dưỡng này.

Là loại rau thu hoạch nhiều vào mùa hè, tuy nhiên khác với rau muống hay rau mùng tơi, rau rút lại được ít gia đình sử dụng. Nguyên nhân là do rau rút bị mang “tiếng ác”, nếu ăn vào làm đau xương khớp nên nhiều người lo sợ.

Lương y Vũ Quốc Trung (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, việc nói rau rút ăn vào gây đau xương khớp chỉ là lời đồn, điều này xuất phát từ chính cái tên rau rút, nên nhiều người lầm tưởng ăn vào sẽ rút xương khớp. Còn về phương diện đông y và cả khoa học hiện đại chưa có tài liệu nào chứng minh rau rút ăn vào sẽ bị đau xương khớp.

Thực tế, rau rút rất lành tính, mọi người có thể dùng được, kể cả phụ nữ có thai. Đây còn là vị thuốc tốt trong đông y, khi ăn có vị ngọt, mát, có tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt nên có thể hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, trị nóng trong, nhuận tràng, hạ sốt…

Loai rau chiu tieng

Rau rút rất giàu protein và tốt cho sức khỏe nhưng ít người sử dụng. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, vào mùa hè, rau rút thường được sử dụng để chế biến các món canh giải nhiệt như nấu với cua, nấu khoai sọ, nấu với cá rô, hoặc rau rút phơi khô để đun nước uống thay trà hàng ngày. Loại rau này còn có mùi thơm đặc biệt, giống như nấm hương, tạo mùi vị hấp dẫn, thơm ngon cho món ăn.

Về phương diện dinh dưỡng, các nghiên cứu hiện đại cho thấy rau rút chứa nhiều dưỡng chất, thậm chí so với một số loại rau thông dụng như muống, cải, mùng tơi thì hàm lượng protein có trong rau rút cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, trong 100g rau rút chứa: 28 kcal; 5,1g chất đạm (rau muống có 3g, rau mùng tơi 1.8g); 1,8g chất bột đường; 1,9g chất béo; 90,9g nước; 180mg canxi; 59mg phốt pho… và nhiều khoáng chất khác.

Dù có nhiều tác dụng, tuy nhiên rau rút có tính hàn nên người yếu, mới ốm dậy, hay bị lạnh bụng, tiêu chảy nên hạn chế ăn. Ngoài ra, khi sử dụng rau rút phải nhặt sạch để tránh mùi bùn đất, lẫn tạp chất, đặc biệt là ký sinh trùng gây bệnh. Bởi rau rút là loại rau sống trên mặt của các ao hồ, vì vậy ăn rau rút dễ bị nhiễm sán lá gan.

Khi mắc sán, bệnh nhân sẽ có biểu hiện như mệt mỏi, thiếu máu nhẹ, sức khoẻ bị giảm sút… Thông thường, sán lá kí sinh trong ruột rau rút nên rất khó phát hiện. Do vậy, lương y Vũ Quốc Trung khuyên mọi người tuyệt đối không dùng rau rút ăn tái, sống hoặc làm nộm, làm gỏi.

Loai rau chiu tieng

Khi sơ chế và chế biến rau rút cần chú ý để không bị nhiễm ký sinh trùng, nhất là sán lá gan. (Ảnh minh họa)

Một số món ăn, bài thuốc có thể tham khảo từ rau rút:

- Chữa chứng mất ngủ: Rau rút 300g, khoai sọ 25g, lá sen 10g, tất cả rửa sạch đem ninh nhừ với nước, cho gia vị vừa đủ, ăn cả bã lẫn nước. Tuần ăn 3-5 lần, nên ăn khi còn ấm, tốt nhất ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút.

- Hỗ trợ điều trị bướu cổ: Rau rút 300g, cá rô 200g, gia vị. Cá làm sạch chỉ lấy phần nạc, ướp gia vị. Xương cá giã nhỏ vắt lọc lấy nước, thêm nước cho đủ khoảng 500ml, đem đun sôi, sau đó, thả rau rút và cá nạc vào quấy đều. Dùng ăn nóng với cơm. Ngày một lần, dùng liền 5 ngày.

- Chữa nóng trong: Lấy 300g rau rút, đổ 800ml nước sắc uống thay trà hàng ngày. Đồng thời kết hợp ăn các món nấu từ rau rút, không ăn các chất cay nóng, kích thích.

- Chữa táo bón: Rau rút khô, sắc với 400ml nước còn 200ml, uống thay nước uống trong ngày.

- Chữa rắn biến cắn: Rau rút 20 g, giã nát với ít muối vắt lấy nước uống. Nếu độc chạy vào trong gây tình trạng buồn ngủ lấy ngay 15 g rau rút, ít bèo cái, một miếng bầu đốt lấy khói xông mũi cho tỉnh.

Theo Lê Phương/Phụ Nữ Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)