“Trang trại rau là cả tâm huyết của vợ chồng tôi”
Vợ chồng anh Nguyễn Đức Chinh (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Duyên (39 tuổi) đã có nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ trước khi quyết định từ bỏ công việc ổn định, thu nhập cao về quê làm nông nghiệp. Để giờ đây, họ tự tin với lựa chọn của chính mình.
Trang trại rau hữu cư của vợ chồng anh Chinh tại xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội).
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn rau, chị Duyên tâm sự, chị là thạc sĩ nông nghiệp tại Australia, còn anh Chinh là tiến sĩ sinh học tại Nhật. Cả hai vợ chồng đều công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2015, được cơ quan phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ, chị Duyên mượn mảnh vườn bỏ hoang rộng 1.000 m2 làm chỗ thực hành. Từ đây, niềm đam mê với cây rau bắt đầu nhen nhóm.
Tại Nhật Bản, anh Chinh cũng được trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên nên càng hứng thú hơn với cây rau.
Nhiều năm ấp ủ mong muốn gây dựng nông trại quy mô rau hữu cơ. Đến tháng 9/2019, anh Chinh cùng vợ bắt tay vào tìm đất biến trang trại trong mơ thành hiện thực. Anh Chinh đi khắp các tỉnh phía Bắc, từ Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang để tìm nơi thích hợp mở trang trại nhưng bất thành. Sau đó, qua giới thiệu của đồng nghiệp, hai vợ chồng anh đã tìm và thuê được 2ha ruộng của người dân ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội).
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên và anh Nguyễn Đức Chinh bên trang trại rau.
Từ mảnh đất hoang tàn, vợ chồng anh Chinh cùng sự trợ giúp của 2 đồng nghiệp là kỹ sư nông nghiệp khai hoang và bắt đầu phủ xanh mảnh đất với nhiều loại rau khác nhau. Ban đầu công việc gặp không ít khó khăn như thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh khiến cuộc sống của anh chị có gặp nhiều trở ngại.
“Lúc này, vợ chồng tôi vừa làm nhà nước vừa thực hiện trang trại trồng rau. Mỗi ngày, 2 vợ chồng rời nhà từ 4h sáng mang theo bộ quần áo công sở đến trang trại cách nhà 15km làm việc. Đến 7h30 cả 2 vợ chồng lại tất tả đến cơ quan. Chiều tan làm, 2 vợ chồng lại đèo nhau về trang trại làm việc”, chị Duyên kể.
Sau vài tháng làm nông dân, chị Duyên bị sụt cân, người đen nhẻm vì phơi mình ngoài nắng cuốc đất, trồng rau, tưới nước mỗi ngày. Nhiều hôm cơm đưa lên miệng chẳng nuốt nổi vì say nắng. Do ít vốn nên ban đầu họ chỉ thuê được bốn công nhân. Ruộng làm không hết, rau mọc được bên này thì bên kia cỏ đã ngang lưng.
Đến tháng 8/2020, nhận thấy không thể làm một lúc 2 việc, chị Duyên quyết định xin nghỉ làm ở cơ quan, tập trung trồng rau. Khi nghỉ việc, chị Duyên cũng chịu áp lực từ nhiều phía, mọi người bán ra tán vào “học bằng tiến sĩ nọ tiến sĩ kia tốn bao tiền của cũng về vườn”.
“Công việc bàn giấy không còn thu hút với tôi nữa, còn trang trại rau là tất cả tâm huyết của vợ chồng nên tôi quyết định chọn một việc để thu được lợi ích”, chị Duyên nói.
Đến tháng 6/2021, bỏ qua cơ hội thăng tiến, anh Chinh nối gót vợ, trở thành nông dân toàn thời gian. Tuy nhiên, họ cũng gặp phải không ít khó khăn, thất bại bởi làm nông nghiệp sạch chưa bao giờ dễ dàng, nhiều phen như đánh bạc với trời.
Trang trại rau của vợ chồng anh Chinh trồng 100 loại rau khác nhau.
“Cứ cố gắng rồi sẽ có ngày trời thương”
Suốt 1 năm đầu lập trang trại, tháng nào họ cũng lỗ. Nhân công nhìn ruộng rau bị sâu bọ tấn công sốt ruột mách vợ chồng chị Duyên cách trị sâu nhưng cả nhóm vẫn kiên quyết với lý tưởng làm nông nghiệp sạch. Số tiền tích góp từ hơn chục năm nghiên cứu, làm việc dồn cho trang trại nhanh chóng bay vèo. Họ buộc phải vay mượn anh em, bạn bè để có tiền cầm cự.
Trang trại rau của vợ chồng anh Chinh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu….
Chị Duyên kể, mẻ rau đầu tiên do thời tiết nắng nóng, nước tưới chưa ổn định nên đa số rau bị xấu, già và dai. Nhìn vẻ bên ngoài không được tươi ngon, một số khách hàng đã gọi điện kêu trời bày tỏ sự thất vọng. Không bỏ cuộc, vợ chồng chị Duyên dần rút kinh nghiệm. Nhờ cần cù, chịu khó vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm đến giữa năm 2021, các sản phẩm rau trong trang trại của vợ chồng Duyên được nhiều người biết đến, đặt hàng đều đặn. Một số cửa hàng cũng ký kết hợp đồng nhập rau lâu dài.
Ngoài công việc chính là chăm sóc rau tại nông trại, anh Chinh còn là người vận chuyển rau trên khắp địa bàn Hà Nội, có ngày anh Chinh đi có thể lên đến hơn 100km. Từ một người tiến sĩ được nhiều nơi mời về làm, đang giữ chức quản lý ở viện nghiên cứu, quần là áo lượt, anh Chinh trở thành một ông nông dân râu tóc dài bù xù, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
Chỉ vào luống rau trước mặt anh Chinh cho biết, vợ chồng anh trồng cả 100 loại rau, củ khác nhau. Các sản phẩm rau được trồng ra đảm bảo tiêu chí 5 không (không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không phân bón hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng, không dùng giống biến đổi gen). Mọi việc đều được vợ chồng anh và công nhân làm bằng tay từ việc dọn cỏ, bắt sâu. Có thời điểm chuột nhiều, không thể phun thuốc, vợ chồng tiến sĩ phải nuôi một con mèo để đuổi chuột.
Những người làm công tại trang trại rau của vợ chồng anh Chinh.
Hằng ngày, anh Chinh chị Duyên đều có mặt tại trang trại rau để thu hoạch, chăm sóc và trồng mới các loại rau.
“Trồng rau trái vụ rất khó lên và chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời tiết. Năm ngoái mưa nhiều, vợ chồng tôi mất trắng cả ruộng rau, có lúc bất lực, nước mắt hòa lẫn vào trong mưa. Công nhân thương vợ chồng tôi nên rủ nhau đi làm cách nhật để chúng tôi đỡ phải trả tiền công. Bản thân tôi cũng luôn tự nhủ cứ cố gắng rồi sẽ có ngày trời thương”, anh Chinh nói.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, trang trại của vợ chồng tiến sĩ được chứng nhận sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 3,5 đến 4 tấn với giá bán chỉ bằng một nửa so với nhiều nhà cung cấp khác. Năng suất năm 2021 ước đạt 20-25 tấn/ha/năm - cao gấp đôi năng suất năm trước và bằng năng suất của những vùng trồng rau hữu cơ từ lâu.
Cuối năm 2021 trang trại rau của vợ chồng chị Duyên vinh dự được huyện Phúc Thọ lựa chọn rau để gửi đến chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông ghé thăm huyện.
Không chỉ cung cấp rau sạch ra thị trường, giờ đây anh Chinh, chị Duyên còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động.
Bà Nguyễn Thị Dần (60 tuổi) cho biết, bà đã gắn bó với trang trại được 2 năm, với mức lương 4 triệu đồng/ tháng. Mỗi ngày, bà làm 8 tiếng, từ ngày làm ở đây bà Dần không phải mất tiền mua rau sạch.
Bà Hoàng Thị Tuyết – Phó phòng kinh tế Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng anh Chinh là tiến sĩ và thạc sĩ nhưng đã từ bỏ công việc về thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Hiệp Thuận.
Theo bà Tuyết, không chỉ tiêu thụ rau cho các chung cư lớn nhỏ ở Hà Nội, vợ chồng anh Chinh còn tạo việc làm cho một số người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
“Hai vợ chồng anh Chinh rất nhiệt tình, trồng rau có cơ sở khoa học, toàn sử dụng chế phẩm vi sinh ủ làm phân bón cho rau chứ không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc hoá học. Tuy không đem lại năng suất cao nhưng rau ăn rất ngon nên được mọi người tin tưởng”, bà Tuyết nói.