Đậu hủ thối là một trong những món ăn vặt dân gian đặc sắc và lâu đời của người Trung Quốc. Người ta chế biến đậu hủ thối bằng cách ủ lên men đậu hủ từ ba-sáu tháng. Tuy nhiên, cách ủ đậu hủ và cách ăn mỗi nơi mỗi khác. Đậu hủ thối có hai loại: đậu hủ mềm và đậu hủ khô. Người miền Nam Trung Quốc chuộng loại đậu hủ khô chiên vàng trước khi ăn, trong khi người Bắc Kinh lại thích ăn đậu hủ thối mềm, kết hợp vài thực phẩm khác, đem chưng chín, ăn kèm với bánh mãn đầu (một loại bánh bao không nhân). Ngoài kiểu ăn này, đậu hủ thối còn có thể nướng hoặc bỏ vào lẩu để ăn.
Đậu hủ thối ra đời một cách khá tình cờ. Tương truyền vào đời vua Khang Hy, có một người mưu sinh bằng nghề bán đậu hủ và nuôi heo. Một hôm trong lúc đang chuẩn bị làm đậu hủ, sau khi cho muối, hoa tiêu và một số gia vị vào thì đàn heo chạy tán loạn, anh vội bắt heo nên quên đậy nắp lu, để vôi trên tường rơi vào, đến chừng nhớ ra thì món đậu hủ thối đã hình thành.
Nhìn vẻ ngoài tầm thường, nhưng làm đậu hủ thối là một quá trình chế biến công phu và tỉ mỉ. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau, đậu hủ thối vì vậy cũng có màu sắc khác nhau. Đầu tiên người ta chọn đậu nành loại tốt để làm ra đậu hủ mềm mịn, sau đó ủ trong nước muối ngâm vài tháng rồi vớt ra để khô từ vài giờ đến vài ngày tùy theo mùa, đậu hủ thối thành phẩm có màu xám, thậm chí đen tuyền. Đậu hủ thối ngon hay dở ở loại nước cốt ủ. Mỗi vùng, mỗi nhà có bí quyết riêng, có nơi chế biến nước ủ từ măng tre, nấm đông cô, rượu lúa mạch và tương đen; có nơi lại dùng sữa lên men, cải, nước cốt từ tôm, cá và các loại thảo dược khác.
Dù là loại nước ủ gì, đậu hủ ủ ra phải càng thối mới càng hấp dẫn. Ngày nay, để đơn giản việc chế biến cũng như giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều nơi chế biến đậu hủ thối nhanh bằng cách ngâm đậu hủ trong nước ủ khoảng vài ba ngày là vớt ra đem dùng. Cách ủ này tuy có tạo vị thối “danh bất hư truyền”, nhưng không thấm vào đậu hủ nên hương vị cũng nhạt nhẽo hơn.
|
Món đậu hủ thối đang thu hút nhiều thực khách trẻ. |
Ở Hồng Kông, đậu hủ thối được bán phổ biến trên nhiều đường phố, là món ăn khoái khẩu của dân bản địa và du khách. Cách ăn ở đây khá đơn giản, đậu hủ thối được chiên vàng, gói trong giấy kèm theo tương đen ngọt, tương ớt cay và nước xốt chua cay, du khách vừa cầm đi vừa ăn. Đậu hủ thối chiên vàng, giòn rụm, cắn vào bên trong vừa béo vừa bùi, cộng thêm với vị chua cay hấp dẫn khiến nhiều người ăn đến ghiền.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, nếu mới ăn lần đầu, bạn nên… nín thở để khỏi ngửi mùi thối đáng sợ, như thế sẽ tận hưởng được vị béo ngon lành có một không hai của đậu hủ thối. Ngoài ra, đậu hủ thối nên ăn lúc nóng, mùi vị sẽ dễ chịu hơn. Đậu hủ thối ở Đài Loan cũng được chiên vàng, ăn kèm với cải chua hoặc cải trắng muối theo vị chua ngọt, giúp người ăn ít ngán mùi dầu mỡ, cũng để lấn át bớt mùi thối.
Ở TP.HCM đã có vài quán kinh doanh đậu hủ thối, nhờ giảm nhẹ vị thối nên hợp khẩu vị, thu hút nhiều bạn trẻ. Để thử món ăn lạ này có thể ghé quán Lê Gia trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM.
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):