Nhiều chị em rất hào hứng với việc lấy mỡ từ bụng "đắp" lên ngực để được "một công đôi việc" hay tiêm filler sẽ không đau, ít đụng dao kéo. Tuy nhiên đây là cách làm không tối ưu.
Các chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ sẽ đưa ra lời khuyên cho cho bạn lợi - hại của những phương pháp nâng ngực hiện nay.
Nâng ngực bằng mỡ tự thân: nhanh xẹp
Trả lời Zing.vn, Đại tá, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay nâng ngực bằng mỡ tự thân rất cuốn hút phái đẹp. Phương pháp này dùng chính mỡ của bệnh nhân thay vì chất lạ để nâng ngực. Quá trình thực hiện thường diễn ra rất nhanh và bệnh nhân có thể nhìn thấy ngay sự thay đổi của bộ ngực, ít bị lộ và phức tạp như phương pháp đặt túi ngực.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, nếu lượng mỡ dùng để bơm vào ngực nhiều sẽ xảy ra một số tình huống xấu đối với sức khỏe. Đầu tiên, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng do không đảm bảo điều kiện an toàn khi thực hiện. Nếu trường hợp này xảy ra bác sĩ sẽ rất khó khăn xử lý các tế bào mỡ bị vón cục hoặc tạo thành u, xơ quanh hai bầu vú.
Biến chứng tiếp theo có thể xảy ra là nếu ngực tiếp nhận lượng mỡ nhiều hơn khả năng nuôi dưỡng tại chỗ thì phần trong sẽ tự tiêu khiến vòng một xẹp đi nhanh chóng. Lượng mỡ bơm vào càng ít, tỷ lệ sống càng cao. “Sau một tháng mỡ sẽ tự tiêu 80-90%, phải bơm bổ sung nhưng cũng rất khó tồn tại lâu dài. Khi vừa bơm xong, bác sĩ và bệnh nhân đều rất ưng ý về thành quả của mình, nhưng chỉ cần một tháng sau, bộ ngực đó sẽ biến dạng. Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân mất tiền oan vì sử dụng cách làm này”, bác sĩ Sơn cho biết.
Đặt túi ngực - chắc chắn để lại sẹo
Khác với cách bơm ngực bằng mỡ tự thân mang nhiều rủi ro và hạn sử dụng ngắn, phương pháp đặt túi ngực phức tạp nhưng hiệu quả và an toàn hơn. Bất cứ ai cũng có thể tiến hành phẫu thuật nâng ngực nếu điều kiện sức khỏe đảm bảo. “Phẫu thuật nâng ngực không làm ảnh hưởng đến tuyến sữa, ngoại trừ trường hợp cắt qua núm vú”, PGS Sơn cho hay.
PGS Nguyễn Tài Sơn thông tin thêm, silicon được các nhà sản xuất cam kết bảo hành cả đời, có nghĩa là đảm bảo túi ngực không bị vỡ, rò rỉ gel, hỏng... Trước đây, người ta hay độn ngực bằng dạng gel lỏng (như nhựa chuối, nhỏ giọt). Hiện nay, các bác sĩ dùng gel cohesive có độ dẻo và dính (tựa như bánh su sê), cắt ra không bị nhỏ giọt, độ an toàn cao hơn. Trong trường hợp vỡ túi, chúng không thể len lỏi vào các tổ chức bên trong gây ra phản ứng viêm, co bao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải thay thế sau thời gian sử dụng do kết quả không ưng ý, hoặc co bao. Ngoài ra, bác sĩ phải tháo bỏ túi silicon do xẹp, vỡ (rất ít khi xảy ra), biến chứng sau phẫu thuật, co thắt bao xơ, hoặc dịch chuyển vị trí, ngực chảy xệ do da lão hóa, tuổi tác, thay đổi quan điểm thẩm mỹ…
Về nhược điểm của phương pháp này, PGS Sơn khẳng định, đó chính là vết sẹo. Tùy theo gian và cơ địa của từng người, vết sẹo sẽ mờ và trắng ra. Chúng rất khó biến mất, nhất là với đường đi vào là quầng và nếp vú, vết sẹo sẽ là cản trở sự tự tin của chị em. Do đó, chỉ cần quan sát kỹ, người ta sẽ biết phụ nữ có phẫu thuật nâng ngực hay không. Đặc biệt, khi tiến hành phẫu thuật đường quầng vú, nếu không cẩn thận, kỹ thuật viên có thể sẽ cắt đứt ống tuyến, tạo thông thương giữa ống tuyến và ổ mổ của bệnh nhân. Với những chị em còn sữa, sữa sẽ đi vào ổ mổ gây nhiễm trùng.
So sánh hai phương pháp nâng ngực bằng mỡ tự thân và đặt túi silicon, PGS Nguyễn Tài Sơn cho rằng nếu có nhu cầu nâng ngực, chị em nên thực hiện biện pháp đặt túi silicon. Khi đó, bơm mỡ chỉ là kỹ thuật phụ trợ trong trường hợp đặt túi nhưng không đều do da mỏng. Khi đó, cách làm này sẽ giúp da phồng đẹp, lượng mỡ cũng không nhiều nên tỷ lệ sống cao hơn.
Đồng quan điểm, Đại tá, TS.BS Nguyễn Huy Thọ - Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội cũng cho rằng: “Đặt túi độn ngực silicon gel hoặc túi thanh huyết sẽ an toàn hơn cả. Tuy nhiên an toàn không có nghĩa là an toàn tuyệt đối vì vẫn có tỷ lệ 3% biến chứng nhưng không phải là những biến chứng nguy hiểm".
Dùng chất làm đầy – tuyệt đối “Không”
GS.BS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa PTTH, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho hay, dùng chất làm đầy (filler) cũng là một phương pháp nâng ngực phổ biến ở các nước phương Tây. Đây là một chất thay thế acid hyaluronic trong tế bào của con người. Filler được chiết xuất bằng rất nhiều công nghệ, có thể tổng hợp từ bò, cừu. Chúng chỉ có tác dụng trong khoảng 4-18 tháng. Song, ở Việt Nam, do chưa thể quản lý chặt chẽ nguồn gốc của filler nên phương pháp này không được khuyến khích.
PGS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo thêm: "Hiện chưa có loại filler nào đảm bảo để nâng ngực. Đặc biệt, ngực có những động mạch, tĩnh mạch rất lớn, tiêm chất làm đầy sẽ gây ra những tai biến nguy hiểm. Bên cạnh đó, tiêm filler vào ngực buộc phải dùng khối lượng lớn, sẽ làm cho vùng da ngực bị thiểu dưỡng, chèn ép vào các mạch máu nuôi dưỡng khiến vùng da bên ngoài sẽ bị biến dạng màu, thậm chí hoại tử.
Trong đó, ngoài việc làm biến dạng ngực, gây viêm, co vón tuyến sữa, hoại tử, filler còn làm tắc động mạch phổi, khi lên não làm tắc động mạch não gây đột quỵ. Nhiều trường hợp phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú mới khắc phục được hậu quả.