Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế mới đây đưa ra khuyến cáo người dân cẩn trọng với thông tin quảng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe KichMen1H trên website https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net do vi phạm quy định quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.
Cục cứ nhắc, doanh nghiệp cứ chối…
Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam (Địa chỉ: Nhà 40 BT4, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) là đơn vị công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm, lên làm việc. Tuy nhiên đại diện Công ty khẳng định sản phẩm TPCN/ TPBVSK KichMen1H đang quảng cáo trên website https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net không phải do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên các website này.
|
TPBVSK KichMen1H bị cảnh báo trên một số trang web |
Thực tế, theo tìm hiểu của Kiến Thức, không chỉ hai trang web bị cảnh báo https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net mà Kichmen1H chủ yếu được bán online nên còn được quảng cáo và chào bán trên nhiều trang web bán hàng khác.
Gõ từ khóa tên sản phẩm “Kichmen1H” trên công cụ tìm kiếm Google trong 0,31 giây đã cho 137.000 kết quả, với các trang bán hàng như http://sinhlynam.strongmen1h.net/, https://thuocyeusinhlynam.com, https://muonladep.com/kichmen-1h/, https://www.wfot.org.au/kichmen-1h/, https://on25h.com/thuoc-kichmen-1h-co-tot-khong-gia-bao-nhieu/, https://nilp.vn/kichmen-1h/ Kichmen1H,...
Trên các trang web bán hàng này vẫn rao bán sản phẩm này với những lời lẽ quảng cáo “nổ” công dụng như thuốc. Cụ thể, trên trang web https://nilp.vn/kichmen-1h/ Kichmen1H được quảng cáo là sản phẩm “có khả năng điều trị các chứng bệnh yếu sinh lý, xuất tinh sớm, liệt dương,… rất hiệu quả”.
Hay trên trang https://thuocyeusinhlynam.com , sản phẩm được quảng cáo nhiều công dụng như kích thích khoái cảm, tăng khả năng cương dương, kiểm soát cuộc yêu, làm chủ thời gian yêu,…
Thậm chí nội dung quảng cáo còn viện dẫn “theo kết quả nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học Mỹ thống kê rằng thời gian quan hệ khi sử dụng thuốc kéo dài hơn gấp nhiều lần so với không sử dụng thuốc. Điều này nhờ thuốc có tác dụng bồi bổ sinh lực tự nhiên giúp bạn kiểm soát tốt hơn và chủ động được thời gian xuất tinh của mình”. Rõ ràng đây không chỉ là những lời quảng cáo “nổ” tâng bốc công dụng, vi phạm qui định, gây hiểu nhầm công dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, mà còn trắng trợn khẳng định sản phẩm là “thuốc”.
Trên trang http://sinhlynam.strongmen1h.net/, sản phẩm cũng được quảng cáo cụ thể công dụng từng thành phần với những từ “thuốc”, “thang thuốc”, “điều trị”,… khiến người tiêu dùng dễ hiểu lầm đây là thuốc trị bệnh.
Đá bóng trách nhiệm?
Mặc dù Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp khác khi bị “tuýt còi” đều đổ rằng web không phải của doanh nghiệp, nhưng qua tìm hiểu của Kiến Thức có thể thấy sản phẩm Kichmen1H được bán rộng rãi trên các trang bán hàng online. Rõ ràng các trang web này là các kênh phân phối, bán hàng Kichmen1H, và đang quảng cáo "nổ" để kích bán sản phẩm.
Với rất nhiều các trang web hiện bán sản phẩm Kichmen1H như đề cập trên đây, có lẽ Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam không thể chối tất cả các web - đại lý của mình và vấn đề đặt ra là trách nhiệm của Công ty đối với nhãn hàng mình công bố, lẽ nào Công ty không biết các đại lý, các đơn vị bán hàng của mình đang làm gì?
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, từng chia sẻ trên báo chí rằng quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang web hiện nay là hình thức rất phổ biến. Tuy nhiên, quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội hiện cũng rất khó quản lý, nhiều nội dung không đúng với bản chất thực phẩm.
Trong đó, có không ít trường hợp trang web quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng, khiến người dân tưởng nhầm thuốc chữa bệnh. Rất nhiều sản phẩm, trang web và doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm lập biên bản vi phạm và xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp công ty vi phạm quảng cáo trên web, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng họ chỉ nhận sản phẩm đúng là của công ty nhưng trang web thì không phải của họ, nên công ty không chịu trách nhiệm.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp “đá bóng trách nhiệm”, không thừa nhận trang web quảng cáo sản phẩm của mình, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ phối hợp các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý vụ việc. Và trong khi các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm luôn khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại các website bị cảnh báo.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.