Vi nhựa trong thực phẩm
Hạt vi nhựa (microplastics) là những hạt nhựa nhỏ li ti có đường kính dưới 5 mm. Hạt vi nhựa được tìm thấy trong môi trường có nguồn gốc từ các hạt siêu nhỏ microbead - phần tử nhựa cứng kích thước siêu nhỏ thường có mặt trong các sản phẩm kem đánh răng và tẩy rửa da; hoặc từ các mảnh nhựa lớn hơn bị phá vỡ trong môi trường.
Do việc sử dụng nhựa ngày càng tăng của thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 8,8 triệu tấn chất thải nhựa trôi dạt từ các con sông vào đại dương. Một con số khổng lồ 276.000 tấn rác thải nhựa hiện đang nổi trên biển, phần còn lại có khả năng bị vỡ vụn và bị chìm hoặc dạt vào bờ. Đây chính là nguồn sinh ra các hạt vi nhựa thường gặp ở đại dương, sông và đất và thường được động vật tiêu thụ.
Vi nhựa ngày càng được tìm thấy trong nhiều môi trường khác nhau, và thức ăn cũng không ngoại lệ.
|
Nguồn vi nhựa phổ biến nhất trong thực phẩm là hải sản |
Một nghiên cứu gần đây đã kiểm tra 15 loại muối biển khác nhau và tìm thấy tới 600 hạt vi nhựa trên mỗi kg muối. Các nghiên cứu khác đã tìm thấy tới 660 sợi vi nhựa sợi trên 1kg mật ong và 109 mảnh vi nhựa trong 1 lít bia.
Tuy nhiên, nguồn vi nhựa phổ biến nhất trong thực phẩm là hải sản; bởi vi nhựa có nhiều trong nước biển, và chúng thường được tiêu thụ bởi cá và các sinh vật biển khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại vi nhựa khiến cá nhận nhầm là thực phẩm và ăn vào, dẫn đến các hóa chất độc hại tích lũy bên trong gan cá.
Thậm chí vi nhựa có mặt trong cả các sinh vật biển sâu, là những loài ở sâu và xa nhất. Trai, hàu và các loài thủy hải sản có vỏ có nguy cơ nhiễm vi nhựa cao hơn nhiều so với hầu hết các loài khác. Cụ thể, trai, hến và hàu thu hoạch cho con người tiêu thụ có 0,36-0,47 hạt vi nhựa trên mỗi gram, có nghĩa là con người tiêu thụ động vật có vỏ có thể “ăn” tới 11.000 hạt vi sinh vật mỗi năm.
Nhiều nguy cơ sức khỏe
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu kiểm tra ảnh hưởng của vi nhựa trong chuột thí nghiệm cho thấy các hạt vi nhựa lũy trong gan, thận và ruột, làm tăng nồng độ các phân tử stress oxy hóa trong gan. Chúng làm tăng mức độ phân tử có thể gây độc cho não. Hạt vi nhựa cũng được chứng minh có thể truyền từ ruột vào máu và có khả năng vào các cơ quan khác trong cơ thể.
Các hạt và sợi vi nhựa cũng đã được tìm thấy ở người. Một nghiên cứu cho thấy rằng các sợi nhựa đã có mặt trong phổi của 87% người tham gia nghiên cứu. Điều này có thể là do vi nhựa có mặt cả trong không khí. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi nhựa trong không khí có thể làm cho các tế bào phổi tạo ra hóa chất viêm. Tuy nhiên, điều này mới chỉ được thể hiện trong các nghiên cứu ống nghiệm.
Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra sự có mặt của vi nhựa trong thực phẩm, cũng như sự có mặt của chúng trong cơ thể người, nhưng mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và bệnh tật như thế nào vẫn chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, sự thôi nhiễm hóa chất từ nhựa ra thực phẩm và nguy cơ nhiễm độc với con người đã được nhiều nghiên cứu khẳng định. Cụ thể, phthalates, một loại hóa chất được sử dụng trong các chế phẩm nhựa, đã được chứng minh là làm tăng sự phát triển của các tế bào ung thư vú. Bisphenol A (BPA) là một trong những hóa chất thường được tìm thấy trong bao bì nhựa hoặc hộp đựng thực phẩm bằng nhựa có thể rò rỉ ra thực phẩm. Một số bằng chứng cho thấy BPA có thể ảnh hưởng đến kích thích tố sinh sản, đặc biệt là ở phụ nữ.
Hạn chế sử dụng bao bì thực phẩm bằng nhựa có thể hạn chế nguy cơ hóa chất thôi nhiễm vào thực phẩm bạn ăn hàng ngày; đồng thời cũng là một trong những cách hiệu quả nhất mà bạn có thể làm giảm nhựa trong môi trường và trong chuỗi thức ăn.